Ảnh bạn bè

Ảnh bạn bè
Chụp chiều ngày 12/9/2010

Thứ Bảy, 2 tháng 10, 2010

MỘT THỜI ĐỂ NHỚ

Người viết:
Nguyễn Văn Ca

Mình đã không được may mắn như các bạn khác cùng lứa!

Sau khi học xong bậc tiểu học, không như những bạn học khác, mình phải theo gia đình chạy nạn vào sống ở thành phố Đà Nẵng. Việc học hành của mình từ đó cũng ba chìm bảy nổi. Bốn năm học chạy ở 03 trường. Sinh ngữ chính của mình là Pháp văn mà nửa năm lớp đệ lục và nửa năm lớp đệ ngũ phải chấp nhận học môn tiếng Anh vì trường mình học lúc đó không dạy Pháp văn. Năm lớp đệ ngũ và đệ tứ mình chuyển về học ở trường Trung học Công lập Đông Giang thuộc TP Đà Nẵng; ở đây mình gặp được Lê Thừa Hùng, học chung lớp với mình. Chúng tôi thân nhau liền khi vừa mới gặp bởi lẽ là người cùng quê, cùng cảnh (cùng là dân xa quê vì chạy nạn, cùng nghèo khó như nhau, mưa cũng như nắng cùng đi bộ hàng ngày đến trường tuy mỗi đứa đều ở xa trường hàng chục cây số lại cách sông trở đò…). Các bạn biết không, có một kỷ niệm giữa mình và Hùng, mình thì nhớ lắm không quên được mà không biết Hùng có còn nhớ hay không: có một hôm hình như lớp mình được nghỉ liền cả 03 tiết cuối buổi sáng, mình liền rủ Hùng về nhà, hai đứa nấu cơm ăn. Trong bữa ăn chúng ta thách đố nhau ai ăn hết tô canh nóng trước là thắng, kẻ thua phải chịu cái gì sau đó thì mình quên mất (đúng ra thì mình thách Hùng trước, không hiểu sao Hùng cũng nhận lời). Phần này mình thắng. Có lẽ Hùng vẫn ấm ức nên lúc đi học lại, trên đường Hùng rủ mình ăn kem cây (cà rem), lúc này Hùng trả đũa lại mình bằng thách đố: mỗi đứa phải ăn liền một lúc 03 cây cà rem không được nghỉ, ai thua phải trả tiền. Phần này Hùng thắng; mình chưa nuốt trôi hết 1 cây thì loáng một cái Hùng đã nuốt chững hết cả 3 cây, mình đành chào thua.

Như trên đã nói, mình học Pháp văn, trường không có đông học sinh học môn tiếng Pháp, đến giờ Pháp văn lớp chỉ có 04 đứa: mình là một, 2 thằng đều tên Hùng và nhỏ Chi. Nhỏ Chi học tiếng Pháp suya hơn bọn mình, chuyển trường từ Đà Lạt về cùng năm học với mình lại là con gái rất dễ thương nữa. Có lẽ vì thế mà lúc gặp mình lần đầu tiên sau ngày giải phóng, người Hùng nhắc đến với mình trước tiên là nhỏ Chi chăng? Nhỏ Chi là con của một viên Đại úy có xe jeep nhà binh đưa đón hàng ngày, kênh kiệu một chút nhưng cũng dễ thương, chẳng biết bây giờ Chi đang ở đâu!

Học hết lớp đệ tứ, mình theo gia đình trở về quê cũ xin vào học lớp 10 Pháp Văn ở trường An Lương Đông, lúc đó Lê Du làm lớp trưởng (sau này khi Du học xong Sư phạm ra dạy học ở Quảng Bình bị trọng bệnh rồi chết; bạn bè mỗi đứa mỗi nơi, chẳng mấy đứa biết được tin để trở về tiễn nó đi một đoạn cuối cuộc đời). Lúc này Lê Văn Bá và một vài bạn khác nữa đã chuyển trường đi học đâu đó rồi nên mình không gặp. Những thầy cô giáo những năm lớp 10, 11 và 12 lúc ấy mình còn nhớ được là Thầy Hồ Văn Bá Hiệu trưởng, nhà thầy ở Huế thường xuyên đi về hàng ngày bằng chiếc xe Honda 67 màu đen. Không chỉ có Thầy Bá mà hầu hết quý thầy, cô dạy bọn mình hồi đó đều ở Huế về dạy ở Truồi cả và chắc họ đều có một tâm trạng như nhau là rất sợ tên rơi đạn lạc trên đường đi và có lẽ cả những lúc đứng trên bục giảng nữa bởi lúc đó chiến sự không còn ở những nơi xa xôi như người ta vẫn nghĩ mà đã lan dần về cả những làng mạc cận đường quốc lộ, ví dụ như làng Nam Phổ Cần, làng Phước Mỹ… chỉ cách trường có mấy bước chân. Mình nhớ có lần hai bên đánh nhau suốt cả ngày cả đêm ở làng Nam Phổ Cần, làng Phước Mỹ, làng Nam Phổ Hạ trông cứ như trẻ con đánh trận giả với nhau vậy. Một số học sinh con trai bọn mình chẳng biết sợ là gì nữa, cứ tràn lên đường tàu đứng nhìn lính của Trung đoàn 54 đi theo sau xe thiết giáp tiến chầm chậm vào đánh giáp lá cà với quân bộ đội Giải phóng núp trong các hầm chữ A ven bờ tre ở trong làng; cứ một đợt lính 54 tiến vào là tiếng súng nhỏ, súng lớn, lựu đạn, mìn rộ lên một chặp rẹt…rẹt, đì đùng rồi im bặt; lính chết, bị thương được khiêng trở ra nhiều vô kể, thế là xong một đợt tấn công… Sau đó phải cầu viện lính Nhảy dù về mới giải quyết xong được.

Ngoài Thầy Bá ra còn một số thầy cô khác mà bây giờ nhắc đến mình vẫn còn hình dung ra được từng khuôn mặt đáng kính như Thầy Lê Thừa Xích dạy Địa, cô Tuyết Nha dạy môn Lý, Thầy Nguyễn Văn Mua dạy môn Toán với cô Phong sau đó trở thành một đôi vợ chồng, Thầy Nguyễn Văn Mua dạy môn Sinh, Thầy Lê Tự Rô mà có lúc đi dạy thầy đóng bộ đồ nhà binh láng cóong với galon Thiếu úy trông rất oai, dạy môn Toán với vợ là cô Ngọc Anh dạy cùng trường. Nhắc đến Thầy Rô mình nhớ tới một kỷ niệm: năm học 11, một buổi chiều đến giữa giờ Toán, gió thổi từ ngoài cánh đồng phía sau trường vào mát quá, chống chỏi một hồi không lại với cơn buồn ngủ quái ác ập đến, mình gục xuống bàn ngủ ngon lành; đúng lúc ấy, mình cảm thấy có cái gì đó chọi vào đầu thật đau, thì ra đang giảng bài trên bục cao nhìn xuống thấy mình đang ngủ; sẵn cục phấn trên tay thầy vụt một cái trúng đích, hay thật! Giật mình tỉnh giấc mộng mình bị thầy xách lên bảng, thầy hỏi: 

- a lũy thừa không bằng mấy? 

Mình đang còn lớ ngớ chưa kịp trả lời thì a lê “bốp” cạnh chiếc giày botte de saut cứng như đá ở chân phải của thầy đã dính vào ống quyển chân phải của mình và kèm theo tiếng quát “đi về chỗ”. Hú vía, mình ôm chân lao nhanh về chỗ ngồi không dám nhúc nhích. Một lúc sau, ở chỗ ấy nổi lên một cục to hơn quả trứng vịt, tím đen và đau quá chừng, về nhà mình phải lấy muối ăn với củ gừng giã nhỏ, xát nhiều lần nhưng cũng phải nhiều ngày sau mới lặn hết. Đúng là cái giá phải trả… Thầy Nguyễn Phố dạy môn Triết, Thầy Chế Trọng Hùng dạy môn Tiếng Anh, Cô Tao Phùng dạy môn Sử, Thầy Trương Quang Yến dạy môn Việt văn và một số thầy cô khác nữa mà ở “Mấy dòng hoài niệm” của Hoàng đã nhắc đến rồi. Mình cũng còn nhớ là đầu năm bọn mình học 11 còn có thầy Lê Xuân Bân dạy môn Địa lý mới ra trường lúc ấy thầy còn rất trẻ, thường hay tổ chức đi picnic với bọn mình vui lắm!…

Mình cũng nhớ năm lớp 11 thì phải, Nguyễn Sấn yêu nhỏ Hảo quá chừng nhưng không mở lời được, cái thời ấy sao mà khờ khạo thế không biết; mình cũng thế, nói như Hoàng quá chính xác, cứ đến trường thấy mặt nhau là vui và có cái gì đó xao xuyến trong lòng nhưng không dám mở miệng nói với ai được điều gì cả để đến đêm về cứ nhớ hình nhớ bóng ai; học không được ngủ cũng chẳng yên. Nói thế thôi chứ lúc ấy vẫn có một số bạn cũng đã yêu đương, hò hẹn mùi mẫn lắm; 17, 18 tuổi cả rồi, có đứa đã rấp rem có vợ. Riêng Sấn thích Hảo quá không biết làm sao cậu ta đành bộc bạch, tâm sự với mình nhờ mình góp ý giúp; mình thấy tội nghiệp nên làm quân sư quạt mo bất đắc dĩ; mình bảo Sấn viết thư đưa mình đọc trước (sau này khi gặp nhau vui miệng kể lại chuyện ấy, Sấn dùng từ “kiểm duyệt ”) rồi nhờ mình chuyển cho Hảo…

Lúc này chiến tranh đã đến thời kỳ leo thang ác liệt nhất, phần lớn bọn con trai chúng mình đều nghĩ rằng trước sau gì rồi cũng phải đi lính cả thôi, và cái gì đến sẽ đến: nếu mình nhớ không nhầm thì đến đầu hay giữa năm lớp 11 gì đó, các bạn nam sinh năm 1955 đều lần lượt lên đường nhập ngũ như Nguyễn Ngọc Mùi, Nguyễn Lạc, Đặng An Kha, Trần Hữu Nhuân… Cũng trong thời gian này nhân dịp trường tổ chức kỷ niệm Lễ Quốc khánh thì phải, mình không nhớ rõ là lễ gì nữa bởi lâu nên quên, mỗi lớp phải ra một tờ báo tường, trong lớp ai cũng phải có bài để nộp, bí quá mình liều làm một bài thơ và nộp cho lớp trưởng; mình lấy tên bài thơ là “Những bước chân trũng buồn”, nội dung gồm những câu thơ như sau:

Những bước chân trũng buồn,
Đi trên vùng đất mẹ,
Đầy những nét loang lỗ, hố hang,
Bởi suốt 20 năm bị đạn bom cày phá.

Đây quê mẹ,
Những bước chân này,
Ngậm ngùi cho số kiếp đau thương.

Mẹ Việt nam:
Vẫn ngày đêm nhẫn nhục,
Vẫn cúi đầu câm lặng,
Vẫn nén tiếng thở dài,
Đưa mắt nhìn những đứa con,
Ôi! Những đứa con của mẹ,
Đã từng đêm cùng mẹ hứng chịu nhiều đau khổ.

Nước mắt mẹ đã khô,
Không còn nhỏ thành từng giọt mặn,
Ngấm xuống mảnh đát này.

Đúng là thơ con cóc, bây giờ nhớ lại và ghi ra đây các bạn đọc xin đừng cười nha! Không hiểu sao hồi đó mình trở thành thơ với thẩn kiểu ông cụ như thế nữa.

Nhân đọc mấy dòng hoài niệm của Hoàng trên trang Web dành cho bạn bè, mình cảm động thực sự nên cũng cố gắng nhớ và ghi lại tản mạn vài dòng, song khi nhớ về thì có điều còn, điều mất; bạn bè mình ai còn nhớ được điều gì thì ghi lại để có lúc nào đó rảnh rỗi ngồi tĩnh tâm đọc lại xem như ôn lại những gì đã có hết sức quý báu trong quãng đời thời còn cắp sách đến trường các bạn nhé!

Hẹn gặp lại!
Tháng 10/2010

3 nhận xét:

  1. Cám ơn bạn Ca đã gửi bài để đăng lên trang web này. Mong nhiều bạn khác cùng gửi bài để trang web của chúng ta được phong phú, thú vị hơn.
    Thân mến

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn bạn Nguyễn Văn Ca đã nhớ đến mình. Chúc bạn và gia đình cũng như các bạn cựu hoc sinh ALĐ67 sức khỏe, hạnh phúc, thành đạt. Chúc tinh bạn giữa chúng ta mãi mãi bền vững và thân thương.
    Tăng Ca mấy câu vè con cóc của mình.
    Hậu quả của việc ngủ gật trong lớp
    Thầy Lê Tự Rô
    Chân đi botte de saut
    Chích mũi giày vào you
    Nỗi lên một cuc u
    Làm Ca khóc hu hu
    Đó là thời để nhớ.

    Lê Thừa Hùng

    Trả lờiXóa
  3. Nếu nhớ không lầm Nguyen Ca o Lương Điền Đông phải không ? Trên đường về nhà sau giờ tan học cua nam đệ tam co 4 dứa cùng đi một con đường trong đó có mình . Ca đoán thử mình là ai ?
    Mình học lớp 10 ban Toán ( Lop co 16 đứa quên tên hết rùi)

    email của mình: hoctroanluongdong@yahoo.com

    Trả lờiXóa