Ảnh bạn bè

Ảnh bạn bè
Chụp chiều ngày 12/9/2010

Thứ Tư, 29 tháng 9, 2010

Ngày xưa một thuở

Người viết:
Nguyễn Hoàng

Kể chuyện ngày xưa dưới dạng bịa chuyện coi bộ dễ hơn kể chuyện thật. Trong khi chờ có thời gian viết tiếp chuyện con cà con kê rồi con dê con ngỗng, mời các bạn đọc cho vui một truyện ngắn, lấy bối cảnh về trường lớp ngày xưa để viết.

Xóm Hạ nằm về cuối sông Truồi quy tụ phần lớn những hộ nghèo, ít người quan tâm hoặc có điều kiện cho con học hành đầy đủ. Việc Trung thi đậu vào đệ thất là niềm tự hào cho gia đình đồng thời đó là tin vui lan truyền khắp xóm. Vài người con, cháu của nhà thầu khoán ở xóm Thượng dù giàu có, khá giả nhưng mấy lần thi vẫn không qua được nên phải học trường bán công. Năm đó, với trên 400 thí sinh dự thi vào trường trung học An Lương Đông mà ban giám khảo chỉ lấy đỗ 80 học sinh nên việc vượt vũ môn quả không là đơn giản. Người mừng nhất là bà Thảo, mẹ Trung, từng hôm chắt chiu bát cơm trắng, miếng canh ngọt cho Trung ăn để học thi, nay coi như một phần công sức của bà được đền đáp.
Trung là con thứ ba trong nhà. Chị đầu và anh kế lớn hơn gần cả chục tuổi còn Thanh, cậu em kế cũng là út, thua Trung bốn tuổi được ba mẹ cưng chiều, học cũng giỏi nên đôi lúc hay cãi bướng Trung. Vồn hiền và chiều em nên Trung ít tỏ ra vai trò của ông anh, chẳng thể nào bắt nạt cậu em út của mình.
Dì Tư ở cuối xóm Hạ, cách non nửa cây số, vốn là bạn quen biết với mẹ Trung. Nhà cửa tuyềnh toàng. Minh, con gái đầu ở nhà giúp dì bán hàng xén, còn Vũ, cậu con trai lớn thì mấy năm trước đó thi hỏng nên đã vào Đà Nẵng phụ việc và học nghề cơ khí. Cô út Lan thì thua Trung 2 tuổi có triển vọng học khá hơn. Hồi còn bé xíu, Trung nhớ có lần được chú Tư, chồng của dì cho kẹo khi mẹ dẫn Trung đến nhà chơi, nay không biết đi đâu biền biệt. Hỏi mẹ, mẹ suỵt suỵt, bảo là chuyện người lớn. Mãi về sau mới biết là chú Tư dạo ấy lên rừng, đi tập kết ra miền Bắc.
Mẹ hay sai vặt Trung, bảo chạy xuống dì Tư mua giúp mấy đồng nước mắm hay miếng đường thắng. Trung cũng hay ghé mua cho mình lúc vài chiếc kẹo, khi thì nhúm dây thun, gặp dì thì thế nào dì cũng bán rẻ, có khi còn được dúi quả ổi, trái chuối. Bởi vì đôi lúc mưa gió lớn, hay bận việc dì Tư cũng thường nhờ Trung đi về cùng với em cho yên tâm.
Từ lúc Vũ đi Đà Nẵng, bé Lan cảm thấy hụt hẫng và nhớ vì Vũ thường bảo vệ, che chở em khỏi bị mấy đứa nhỏ bắt nạt. Nay dần dần Lan cũng coi Trung như anh mình, thỉnh thoảng còn làm nũng khi đòi bắt chuồn chuồn ớt, khi hái hoa dại trên đường đi học về. Có lần Trung cố kiễng chân để khoèo chiếc hoa lục bình tím cho Lan, không may rơi xuống bờ sông ướt cả áo quần, Lan hốt hoảng la lên, nhưng Trung lội vào được, chỉ cái tội là lúc về nhà bị mẹ đánh một roi vào mông đau quắn vì làm dơ quần áo.
Nghe tin vui, dì Tư liền đến nhà chơi, mang mấy cuốn vở mới và chùm dây thun biếu cho Trung coi như mừng cậu học trò thi đậu. Chuyện trò với mẹ Trung hồi lâu, dì có ý nhờ Trung kèm giúp cho Lan học trong thời gian tới.
***
Những cơn mưa rào vội vả tiễn kỳ nghỉ hè, trời đất mát dịu hơn cũng là lúc Trung chính thức bước vào trường trung học, để lại sau lưng tháng năm học ở trường tiểu học với hình ảnh cậu bé con nhếch nhác, ôm mấy cuốn vở le te xộc xệch nhiều lúc quên cả mũ nón. Giờ đây, đến trường không chỉ còn quanh quẩn với gốc đa đầu làng, theo con đường đất chạy dọc bờ sông rợp bóng tre quen thuộc mà phải đi thêm một đoạn đường rải sỏi để lên đường nhựa, vượt qua cầu Truồi một quãng khá xa mới đến trường Trung học An Luơng Đông.
Ngôi trường lúc bấy giờ còn sơ khai lắm, chỉ có 2 dãy nhà song song, mỗi bên 3 phòng còn ở giữa là khoảng sân cỏ mênh mông. Phòng thứ nhất của dãy bên trái nhìn từ ngoài cổng được dành cho thầy Hiệu trưởng và các giáo viên làm việc, 2 phòng kia sơn màu cánh gián với những chấn song khá lớn thay cho cửa sổ khiến cho ai đó đã gọi một cách hài hước là chuồng bò nên 2 phòng học này đã chết danh từ đó. Ngoài ra có một vài phòng đang xây dang dở. Trung ban đầu thắc mắc, tưởng là lên bậc học cao thì trường, lớp phải to hơn, đẹp hơn để khoe với bọn bạn trong xóm, có đứa lớn tuổi hơn cả Trung mà vẫn còn học tiểu học. Nhưng khi biết trường trong quá trình xây dựng nên cậu không còn băn khoăn và rồi ngôi trường nhanh chóng trở nên thân quen và ấm cúng như mái trường tiểu học cũ.
Được bố dẫn đến trường hôm khai giảng, Trung không có tâm trạng e dè của cậu học trò nhỏ như Thanh Tịnh mô tả trong câu chuyện “Tôi đi học”, rằng “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường...” vì Trung cảm thấy mình đã lớn, vì mình được học lên bậc trung học. Và bố cũng chỉ dẫn buổi này thôi còn về sau Trung hẹn với các bạn xóm trên để cùng đi. Nhẩn nha thì mất gần nửa giờ để đến trường nhưng thường Trung và các bạn đến sớm hơn một chút để chơi vũ cầu trong sân trường hay ghé lại đá jetons ở mấy quán bán phía trước cổng trường.
Khi việc học đã ổn định, Trung nghe lời mẹ bảo, cứ cuối tuần đến coi bài vở cho Lan. Dù Lan mới bước vào lớp nhì nhưng với kinh nghiệm học hành không đến đầu đến đũa của Vũ, dì Tư nhờ Trung chịu khó kiểm tra bài, nhất là môn toán. Trung trở thành cậu giáo, lúc dạy kèm thấy cũng oai ra phết. Thỉnh thoảng thầy cũng cũng nhịp nhịp chiếc roi dọa dẫm khi Lan không làm được bài và lúc đó thế nào Lan cũng rươm rướm nước mắt, mếu máo. Nhưng nhờ vậy mà Lan học khá hẳn lên, cuối năm nhận được phần thưởng hạng nhất. Năm sau, vào dịp hè gần ngày thi, Trung thật sự dành nhiều thời gian dò bài, ra thêm nhiều bài tập toán bắt Lan ôn tập. Nhờ vậy, đến kỳ thi vào đệ thất, Lan làm bài rất tự tin và tất nhiên được đỗ thứ hạng khá cao, xóm Hạ có thêm niềm vui mới và uy tín của Trung tăng lên. Cậu học trò lớp đệ ngũ được bà con đầu làng cuối xóm nhờ cậy kèm cặp con em mình, bố mẹ Trung kê mấy chiếc bàn ghế cũ ngoài hiên nhà để giúp cho bọn trẻ, nhưng chỉ trong mấy tháng hè còn vào năm thì Trung phải dành thời gian để học. Riêng bé Lan thì Trung tiếp tục bày vẽ trong thời gian chập chững bước vào lớp đệ thất. Dì Tư thì thật sự tin tưởng vào Trung nên ngay những chuyện rút học bạ, nộp hồ sơ, đưa Lan đến trường mới, Trung với vai trò người anh đi làm tất. Người ngoài tưởng chừng 2 đứa là anh em ruột.
Trở lại chuyện trường lớp. Vào bậc trung học, Trung thấy nhiều cái khác đó là một lớp được học nhiều môn mới với những thầy cô khác nhau chứ không như hồi tiểu học. Những môn học như Việt văn, Lịch sử, Địa lý thì không lạ, chỉ có Anh văn là môn mới toanh, Trung rất khoái. Chưa học được nhiều nhưng nhờ có cuốn tự điển Anh Việt, Trung cũng biết vỏ vẻ mấy chữ trên xe jeep hay xe GMC chở mấy toán lính Mỹ chạy trên đường quốc lộ. Môn toán cũng có nhiều cái mới, nhất là phần hình học. Ở tiểu học, bài tập chủ yếu là các bài toán đố, giải và tìm đáp số nhưng vào trung học phải làm những bài toán chứng minh hình học, ban đầu chưa quen cách lập luận, trình bày nhưng Trung đã cố gắng vượt qua và sau này có kinh nghiệm giúp cho Lan.
Khi Lan vào bậc trung học thì Trung không còn dạy kèm thường xuyên nữa mà thỉnh thoảng Lan mới đến hỏi bài mà cũng chủ yếu môn toán. Lan học cũng khá nhưng thường hay mất bình tĩnh khi làm bài. Với kinh nghiệm của người đi trước và sự kèm cặp, rèn dũa khá nhiều của Trung nên rồi Lan học có phần nhẹ nhàng vững tin như hồi thi vào đệ thất vậy. Chẳng hạn, vào năm đệ ngũ, Lan bị các bạn lớp trước dọa là cái món toán quỹ tích khó xơi lắm. Đúng là khi nghe từ “quỹ tích” đã thấy kỳ bí, thêm nữa các khái niêm phức tạp nào là điểm cố định, điểm biến thiên, đại lượng không đổi, v.v... mà sau này nhiều bạn khác trong lớp vẫn còn sợ khi nghe đến loại toán này nhưng rồi Lan cũng vượt qua nhờ Trung giảng kỹ và nêu rõ bản chất của các khái niệm đó.
Dù sao, con gái học toán cũng vất vả hơn con trai. Những lần giải các bài toán “nhà lầu”, tức là rút gọn các biểu thức đại số phức tạp bằng các phép toán, Lan phụng phịu không muốn làm thì Trung vẫn ra oai dù cho sau này cậu giáo ít nghiêm khắc. Đôi lúc Lan làm con tính sai, đặt dấu ngoặc nhầm chỗ hoặc chọn trung điểm của đoạn thẳng không đúng là Trung lên giọng: Này, mở mắt cho to mà tìm 2 đoạn thẳng bằng nhau đi nào! Hoặc: Coi chừng xuống lớp năm mà làm toán cộng lại,... Những lúc như vậy, tâm trạng của Lan căng thẳng, vừa sợ như lúc bị thầy gọi lên bảng trả lời nhưng cũng có cảm giác tưng tức. Rồi khi học xong hoặc Lan hiểu và làm được bài, Trung trở lại nét mặt hiền hòa và nhỏ nhẹ nhắc Lan, tạo cho cô học trò lấy lại được bình tĩnh, hiểu và nhớ những kiến thức Trung bày vẽ. Cũng nhờ cậu giáo nghiêm khắc nên bài tập ở nhà, bài kiểm tra ở trường Lan đều nhận điểm cao, được thầy khen nhưng phần nào cũng bị bọn con trai cùng lớp tỏ ra khó chịu và ghen ghét vì thầy giáo hay nói khích rằng, bọn con trai gì mà học kém, đáng xách guốc cho Lan.
Học môn Việt văn quả thật thú vị. Mỗi năm thì được học những tác phẩm văn học khác nhau gồm có cổ văn và tân văn. Cổ văn thì có những bài văn vần gồm ca dao, tục ngữ, đồng dao; các áng văn thơ của Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến; các truyện thơ như Bích câu kỳ ngộ (khuyết danh), Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, truyện Kiều của Nguyễn Du.
Về tân văn thì học sinh được học những tác phẩm của Tự lực văn đoàn như các truyện Hồn bướm mơ tiên, Nửa chừng xuân của Khái Hưng; Đoạn tuyệt, Đôi bạn của Nhất Linh, ... Nhiều bạn trong lớp rơm rớm nước mắt khi học trích đoạn của truyện ngắn “Anh phải sống”, kể chuyện 2 vợ chồng vớt củi giữa sông Hồng trong mùa lũ. Khi chiếc thuyền nan bị chìm, người chồng dìu người vợ cố bơi vào bờ. Đến lúc thấy người chồng bắt đầu đuối sức, có lẽ sẽ chết cả đôi thì người vợ thốt lên: - Thằng Bò! Cái Nhớn! Cái Bé!... Không!... Anh phải sống! và lẳng lặng buông tay chìm xuống đáy sông.
Thỉnh thoảng thầy giáo chia lớp thành nhóm để thuyết trình một truyện ngắn hay trích đoạn của truyện dài. Trưởng nhóm phân công, bạn này thì tóm tắt câu chuyện, phân vai, các bạn kia đóng kịch, các bạn khác thì bình luận chuẩn bị để trả lời các câu hỏi của thầy v.v… Những truyện ngắn của Thạch Lam như “Gió lạnh đầu mùa”, “Quê mẹ” của Thanh Tịnh cũng đọng lại trong tâm hồn học trò tình người chân chất, nhân ái.
Tuy nhiên giờ Việt văn không phải lúc nào cũng thú vị. Thứ nhất, khi học một bài thơ hay bài trích giảng văn học nào học trò cũng phải soạn mấy mục: Văn thể, xuất xứ, đại ý, bố cục,... đôi lúc mang tính hình thức, khuôn sáo. Thứ hai, có đôi giờ học, thầy cho lớp trưởng đọc hay chép bài soạn lên bảng để cả lớp ghi bài. Lúc đó con buồn ngủ cứ đậu trên mi mắt, nhất là trời hè, gió hiu hiu từ cánh đồng thổi vào.
Môn Anh văn được học theo bộ sách English For Today. Ngoại trừ Book 1 dành cho lớp đệ thất với tiêu đề “At home and at school”, tương đối khô khan, các cuốn sau rất hấp dẫn. Bên cạnh học tiếng Anh, học sinh cũng tăng thêm những kiến thức về lịch sử, văn hóa và cuốc sống con người trên thế giới nhờ các bài text trong bộ sách này. Đúng là Lan có năng khiếu về ngoại ngữ nên chưa bao giờ Lan hỏi Trung điều gì và Trung do học môn này khá vất vả nên làm lơ, không khi nào nói chuyện về môn tiếng Anh, cho dù Trung đã học trước hai năm.
Sau này, qua các kỳ thi đệ nhất hoặc đệ nhị lục các nguyệt, cả Trung lẫn cô học trò nhỏ đều bận rộn ôn bài vở. Chỉ khi nào bí quá, Lan mới ghé nhà nhờ Trung hướng dẫn thêm đôi chút. Thi xong, người xóm Hạ thường thấy Trung và Lan ôm các tập bài làm của học sinh mà thầy đã chấm về nhà để làm chemise. Công việc này là niềm tự hào của bọn học trò. Chỉ những trò có điểm cao nhất của môn thi đó mới được cô thầy giao nhiệm vụ về lập danh sách học sinh và ghi điểm vào tờ bìa của túi bài thi để nộp cho giáo viên.
***
Học xong lớp đệ tam ở An Lương Đông, Trung phải chuyển lên Huế, học trường Quốc học vì trường quê chưa mở được lớp đệ nhị ban B. Lúc này thì Lan vào lớp đệ tứ. Môn toán hình học chuyển qua nội dung mới đó là hình học không gian và thêm phần lượng giác với những khái niệm sin, cos gì gì lạ hoắc và khó chịu không kém gì quỹ tích. Nếu trước đây có Trung ở nhà, hễ bí điều gì, Lan nghĩ đến việc nhờ anh giải thích. Nay phải chờ đợi có khi phải vài tuần, chủ nhật Trung về thăm nhà mới mong anh giúp, thậm chí có khi Trung rất vội nên phải đành thôi. Cũng vì không ỷ lại được nên từ năm này, Lan chịu khó học toán và nắm vững vấn đề hơn nên những lần gặp sau thay vì hỏi bài, Lan thường bắt Trung kể chuyện thành phố, chuyện trường, chuyện lớp “trên nớ” có khác ở quê nhà hay không. Trung bảo là có nhiều học sinh giỏi, con nhà giàu; bạn bè và thầy cô không được gần gũi, thân mật với nhau như ở dưới này.
Cuối năm đệ nhị, Trung lao vào học thi và Trung là một trong số ít người của quê nhà đỗ Tú tài bán phần và thẳng bước vào lớp đệ nhất.
Năm cuối cùng của bậc trung học là năm vất vả nhất của đời học sinh. Bài vở quá nhiều môn, áp lực thi cử căng thẳng khiến Trung hầu như ít về quê, chỉ khi nào hết tiền mới vội về xin tiếp tế. Rồi Trung cũng vượt qua cửa ải của kỳ thi Tú Tài toàn phần và ghi danh học dự bị Y khoa. Đây là sự kiện trọng đại của xóm Hạ vì trong xã chỉ mới có vài người đậu Tú Tài nhưng thuộc loại con nhà khá giả và theo học ở thành phố suốt cả thời gian tiểu học đến trung học.
Hết năm đệ tứ, dì Tư muốn Lan nghỉ học để giúp việc nhà vì hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn. Lan thì thiết tha muốn được đi học nhưng nghĩ tương lai liệu nên tiếp tục học hết bậc trung học hay không vì lên thành phố trọ học là cả vấn đề lớn. Nhưng nhờ việc Trung đỗ Tú tài, tác động đến cả xã nên dì Tư suy nghĩ lại, tằn tiện ráng kiếm tiền để Lan cho tiếp tục học. Bây giờ, lúc học về, ngoài công việc phụ giúp mẹ trong nhà, Lan cũng bắt đầu nhận đan len, chằm nón cùng với mẹ để dành tiền khi lên thành phố.
Đến khi Lan học xong lớp đệ nhị, lúc này gọi tên mới là lớp 11 thì nhà nước bỏ kỳ thi Tú tài 1. Lan chuyển lên học ở trường trung học Đồng Khánh, trọ nhà bà con để hoàn thành lớp 12. Anh sinh viên Y khoa một lần nữa giúp cô em các thủ tục chuyển trường, làm quen với phố xá, thị thành với sự đạo mạo, nghiêm nghị như ông giáo làng ngày nào.
Tháng ngày mải mê học tập, Trung chẳng hề để ý đến bóng hồng nào. Chỉ khi được trúng tuyển vào năm thứ nhất trường Y, lúc không còn quá căng thẳng của một loạt các kỳ thi nối tiếp và bước vào ngưỡng tuổi đôi mươi, Trung mới để ý chuyện tình cảm. Ông anh khá ngỡ ngàng khi nhận ra cô em bây giờ vừa qua tuổi dậy thì, trở thành cô nữ sinh xinh xắn, duyên dáng; lại nhờ gạo xay, nước máy thành phố nên trắng da, dài tóc chứ không phải đen đúa như ngày nào. Một thứ tình cảm khác lạ bắt đầu nẩy sinh trong Trung. Lan thì nhí nhảnh, hồn nhiên, vẫn vòi vĩnh anh Trung như hồi trước, vô tư không nhận ra những thay đổi khác lạ của ông anh.
Trung dành thời gian đến nhà Lan nhiều hơn nhưng vào giai đoạn này Lan chỉ biết chúi mũi vào học để thi Tú tài. Trung thì đã thấy một tình cảm yêu thương của hai người khác phái nhưng thấy khó mở lời quá. Thêm nữa, bạn bè cả trai lẫn gái của Lan lúc nào cũng đến học chung, trao đổi bài vở khiến Trung cảm thấy mình như là người ngoài cuộc, thừa thải.
Một lần chủ nhật về quê, hai anh em đi cùng chuyến xe. Dừng lại ở bến Truồi, cả hai đi bộ về làng. Không còn là ông thầy đạo mạo, uy nghiêm nữa, lấy hết can đảm, Trung thú thật tình cảm của mình, bảo đã từ lâu yêu thương Lan và nghĩ đến việc xây dựng gia đình tương lai. Lan khá bất ngờ và có phần hốt hoảng, bảo rằng từ trước đến nay Lan luôn kính trọng, sợ sệt, xem anh Trung cũng như anh Vũ và thậm chí còn cứ nghĩ Trung là ông anh họ nữa.
Sau chuyện này, Lan dường như cố tránh gặp Trung, lấy lý do là tập trung thi cử. Dù chưa có kinh nghiệm trong tình trường, Trung cũng thừa thông minh để biết rằng chuyện yêu đương sẽ không đến đâu, về đâu vào thời điểm này, nhất là kỳ thi tú tài của Lan sắp đến. Chàng ta mang nỗi đau thầm kín, mất hẳn phong thái tự tin, biết rằng không thể dùng toán, dùng văn để chinh phục tình cảm của cô em bé nhỏ, xinh xắn được nữa. Tương lai rồi sẽ ra sao? Que sera, sera? Whatever will be, will be?

Tháng 10/2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét