Ảnh bạn bè

Ảnh bạn bè
Chụp chiều ngày 12/9/2010

Chủ Nhật, 26 tháng 9, 2010

Chuyện con cà con kê về trường lớp An Lương Đông ngày xưa

Người viết:
Nguyễn Hoàng

lẽ người khi đã vào tuổi xế chiều thường hay nhớ lại chuyện đời xưa. Mình mở trang viết này để kể chuyện linh tinh của thời học sinh thơ dại. Bên cạnh những chuyện vui thì chắc cũng có chuyện không vui. Ngoài ra, do lâu quá nên trong câu chuyện có thể xảy ra "chuyện nọ xọ chuyện kia". Tuy nhiên, mong các bạn hãy dành ít thời gian kể chuyện học hành, trường lớp với tinh thần thân ái, khoan hòa đối với những vui buồn của một quãng đời ngày xưa nhé.
Mời nghe một bài hát trong lúc đọc.




Cái thời học xong lớp Nhất (tức là lớp 5 bây giờ), không nhiều các bạn được học tiếp lên bậc trung học, thường do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn. Mặc dù hoàn cảnh của mình không khá hơn gì nhưng bố mẹ quyết tâm cho con đi học nên mình có cơ hội dự thi đệ thất tại trường ALD.
Số thí sinh thi tại trường năm đó gần 400. Số ký danh của mình là 121. Cũng không rõ vì sao mình vẫn nhớ được. Hôm đi thi, mình thức dậy rất sớm, khoảng 4 giờ. Ăn sáng xong, mình cùng bố đi bộ 5km về trường để thi.
Buổi sáng, thi môn Tập làm văn và Khoa học thường thức (tổng hợp khá nhiều môn, kể cả lịch sử, địa lý,..). Đề “Tập làm văn” có một yêu cầu là :”Học sinh hãy kể một chuyện ngụ ngôn và bình luận chuyện ngụ ngôn đó.” Học trò đã được học hay đọc nhiều câu chuyện như “Con ve và con kiến”, “Thỏ và rùa”, “Con ếch muốn to bằng con bò”,... ở các sách Quốc văn toàn thư, Quốc văn toàn tập ở Tiểu học. Mình chọn câu chuyện “Con ve và con kiến” để làm.
Buổi chiều là thi môn Toán. Khác với những năm trước là đề thi gồm 2 bài toán đố, năm nay đề có 2 phần, phần 1 gồm những câu hỏi nhỏ, kiểm tra những kiến thức lý thuyết, những tính toán để đánh giá kỹ năng học toán, phần thứ hai mới là một bài toán đố. Bài toán này là một dạng toán chuyển động quen thuộc, đại ý rằng, một người X đi từ thành phố A đến thành phố B quãng đường 30km, vận tốc mỗi giờ là 5km. Cứ đi 10 phút thì ông X nghỉ 10 phút. Nếu bắt đầu đi lúc 8 giờ sáng, hỏi mấy giờ thì đến B? Bài này thì không khó nhưng có chút mẹo là khi đến B rồi thì không tính thời gian nghỉ 10 phút sau cùng này, tựa như bài toán trồng cây, lưu ý là vị trí đầu tiên thì phải có trồng 1 cây.
Đối với mình, bài toán này thuộc loại dễ nếu như so với các bài “Toán giả sử”, kiểu như vừa chó vừa gà 36 con, bó lại cho tròn đến đủ 100 chân,... nên làm nhanh, thong thả và cũng không trao đổi với ai. Thi xong, ra khỏi phòng, đối chiếu đáp số mình tá hỏa khi thấy đáp số khác với các bạn khác. Kiểm tra kỹ, hóa ra là trong bài thi của mình đã dùng dữ kiện “đi 10 phút, nghỉ 1 phút” chứ không phải “đi 10 phút, nghỉ 10 phút”. Vào xem lại đề thi trên bảng thì bị xóa đi rồi nên không rõ là mình đọc nhầm hay giám thị viết nhầm. Ra về lòng bất an, tính đi tính lại có lẽ không hỏng nhưng khó đỗ cao. Cách làm và trình bày là chính xác, nên lòng thầm mong giám khảo đọc kỹ bài làm và châm chước việc sai sót số liệu.
Cuối cùng, sau nhiều ngày chờ đợi cũng đến lúc treo bảng, mình đỗ thủ khoa cùng với Võ Đại Phúng (cùng điểm). Phải nói là giám khảo công minh, chấm bài không chỉ nhìn đáp số, đồng thời đánh giá cả quá trình làm bài của học trò nên mình mới được như vậy.
Vào học lớp đệ thất năm học 1967-1968, mình còn khá nhỏ nên chẳng nhớ được nhiều. Tạm xa bạn bè tiểu học, nay có thêm nhiều người quen mới ở các thôn xã khác. Có nhiều môn học mới, nhiều thầy cô dạy chứ không phải mỗi lớp một cô/thầy như hồi tiểu học. Chẳng hạn môn Anh văn, được thầy Hồ Văn Bá khai tâm với cuốn English For Today, Book 1. Môn Toán được Cô Thanh giảng dạy, những định lý, chứng minh đối với các bài toán Hình học làm nhiều bạn khá bỡ ngỡ.
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét