Ảnh bạn bè

Ảnh bạn bè
Chụp chiều ngày 12/9/2010

Chủ Nhật, 12 tháng 9, 2010

MỘT THỜI HOÀI NIỆM

Nhân dịp 45 năm thành lập Trường Trung học An Lương Đông, mình có viết một bài đăng ở đặc san. Nay trong lúc chờ đợi các bài viết mới, mình copy để các bạn cùng đọc cho vui.
Nguyễn Hoàng
------------

      Năm 1967 tôi thi đỗ vào lớp đệ thất trường Trung học An Lương Đông. Từ nhà đến trường cách xa hơn năm cây số nên việc tiếp tục học bậc trung học là một sự thay đổi đáng kể trong đời học trò ở làng quê nhất là phải vượt qua được kỳ tuyển sinh vào lớp đệ thất. Năm ấy có gần 400 thí sinh dự thi nhưng chỉ lấy đỗ khoảng 80 học sinh mà thôi.
      Những ngày đầu tiên đến trường, chúng tôi đón nhận nhiều điều mới mẻ. Giờ đây có nhiều môn học mới, nhiều thầy cô giảng dạy, có thêm bạn mới từ các xã khác nhau. Số học sinh đỗ vào đệ thất được chia làm 2 lớp theo môn ngoại ngữ. Lớp đệ thất 1 học Pháp văn và đệ thất 2 là Anh  văn.
        Trường lúc ấy đang còn đơn sơ, chỉ có hai dãy nhà học vuông góc với quốc lộ, đối diện nhau. Do phòng ốc còn thiếu thốn nên lớp chúng tôi không có chỗ học có định.  Đứng trên quốc lộ nhìn xuống qua cổng trường chúng ta bắt gặp cánh đồng, mùa thu mênh mông nuớc đầy, mùa xuân xanh mơn màu lúa non. Vài năm sau đó, một dãy phòng học khang trang, mái ngói đỏ au được xây dựng nối với hai dãy cũ làm thành hình chữ U, giải quyết được tình trạng chạy đổi phòng. Do trường đang trong quá trình xây dựng như vậy, chúng tôi không có những hàng phượng vỹ thắm rực màu hoa hay tán cây cổ thụ rợp bóng che mát sân trường lúc hè về; học sinh không có cơ hội để lẩn thẩn nhặt lá vàng rơi khi mùa đông đến. Nhưng chẳng có sao đâu, An Lương Đông vẫn là ngôi trường thân thiết của bao thế hệ học trò.
      Ngày chúng tôi vào trường, thầy Trần Gia Thọ đang là Hiệu trưởng. Đã lâu lắm rồi nhưng hình ảnh thầy vẫn còn đọng trong tôi. Lớp chúng tôi được học với thầy môn Công dân giáo dục trong một học kỳ. Thầy rất oai nghiêm, luôn mặc áo veston, đầu chải gọn gàng, đến trường bằng xe vespa. Chỉ cần thầy đi ngang, bọn học trò chúng tôi đứa nào đứa nấy dù đang chơi đùa, la hét gì đi nữa đều tự động im thin thít. Tuy nhiên khi vào lớp thầy nhẹ nhàng với học sinh và hình như chưa có ai trong lớp bị thầy la mắng hay bắt phạt. Chúng tôi cứ nhớ mãi hình ảnh mẫu mực của một vị thầy hiệu trưởng, đứng đầu một trường vào ngày xa xưa ấy.
        Năm đệ thất và đệ lục trôi qua khá lặng lẽ. Một phần chúng tôi còn quá nhỏ nên ký ức không còn giữ được nhiều, phần khác cuộc chiến thời kỳ này khá ác liệt. Hàng đêm tiếng súng trường, súng đại bác nổ đì đùng, sáng ra trên đường về trường, chúng tôi thỉnh thoảng bắt gặp những chiếc quan tài phủ cờ ba sọc hoặc những xác chết của bộ đội giải phóng do lính Sài Gòn mang ra trưng dọc đường. Đôi lúc những toán lính Mỹ với vũ khí, súng đạn trong tay, hành quân dọc theo đường quốc lộ, gây nên cảm giác bất an cho cả thầy lẫn trò. Do vậy, có nhiều giờ học, học sinh vào lớp nhưng giáo viên không đến hoặc đôi buổi chiều,  thầy cô cho nghỉ sớm để còn kịp đón xe trở về Huế.
        Niên khoá 1969-70 chúng tôi học lớp đệ ngũ. Năm học này có nhiều sự đổi mới. Chiến trận vùng Truồi có vẻ im ắng hơn. Thầy Trần Gia Thọ đã chuyển công tác lên thành phố Huế, thầy Hồ Văn Bá xử lý thường vụ Hiệu trưởng. Đầu năm học, một loạt các giáo viên mới được bổ nhiệm về trường, có nhiều thầy cô vừa tốt nghiệp, phần lớn đạt loại ưu, đầy năng lực và nhiệt huyết. Đó là quý thầy Huỳnh Ngọc Phiên, Lê Tự Rô, Nguyễn Phố,… quý cô Trần Thị Ngọc Anh, Trần Thị Tuyết Nha, Hoàng Thị Tao Phùng,… Cùng với quý thầy cô cũ như thầy Giám thị Hồ Đắc Toản, thầy Lê Thừa Xích, Hồ Trân, cô Nguyễn Thị Thanh, Huyền Tôn Nữ Liên Hương, Nguyễn Thị Thanh Ngọc,… lập nên một Hội đồng giáo viên đầy nhiệt huyết khiến toàn trường bừng lên một không khí mới mẽ, các phong trào học tập thi đua nở rộ. Chúng tôi được học những giờ toán đầy hứng thú với thầy Phiên. Thầy viết bảng rất đẹp, trình bày bài giảng rõ ràng, quan tâm động viên học trò học tập. Ngoài việc tận tâm dạy dỗ trên lớp, thầy không quản ngại vất vả, không nghỉ trưa, để dành thời gian sau khi ăn cơm để dạy thêm miễn phí cho học sinh. Những bài tập làm thêm, những bài toán chạy những nhận xét đúng chỗ đã dấy lên tinh thần học toán trong cả 2 lớp đệ ngũ ấy. Tôi vẫn còn nhớ một lần khi thấy nhiều học sinh trong lớp vất vả với những bài toán quỹ tích, thầy bảo rằng: “Nhìn kết quả học tập các em chưa cao, thầy không trách các em, trái lại thầy nghĩ rằng mình phải làm việc nhiều hơn, phải trăn trở chuẩn bị bài giảng tốt hơn để giúp các em học bài được dễ hiểu”.  Câu nói đó đã là phương châm của bản thân tôi trong quá trình làm nghề giáo sau này. Nhiều bạn tôi yêu thích môn toán cũng bắt đầu từ những tháng ngày này.
Chúng tôi được học Anh văn một cách bài bản là nhờ thầy Hồ Văn Bá phụ trách một số học kỳ các năm ở bậc trung học đệ nhất cấp. Thầy luyện phát âm cho học sinh rất cẩn thận. Tôi còn nhớ thầy nhấn mạnh cách phát âm phụ âm “th” trong các từ thing, think, this, that, the,… rằng cần phải để lưỡi giữa hai hàm răng rồi phát âm, tuỳ từng trường hợp có gió hoặc không có gió thoát ra. Thầy không cho rằng học sinh trường quê khả năng kém nên trong giờ văn phạm, thầy đã dùng tiếng Anh để giảng bài, chẳng hạn cách thành lập các thì, cách dùng, ý nghĩa của chủ động, bị động cách,… mà không cần dùng tiếng Việt như là phụ chú.
        Đối với học trò, thông thường môn Vạn vật là môn tụng bài, đến giờ cô đọc trò chép nhưng năm đệ tứ, cô Ngọc Anh đã thổi luồng sinh khí mới làm cho học sinh thích thú môn này. Cô giảng bài bằng một giọng nhẹ nhàng, ấm áp. Cô vẽ các hình về sinh vật, giải phẫu bằng phấn màu rất nhanh và rất đẹp. Cách kiểm tra của cô nhẹ nhàng và hiệu quả. Cuối mỗi giờ học, cô yêu cầu mỗi học sinh lấy một tờ giấy đôi để hỏi bài cũ lẫn bài mới vừa được học xong.
Môn Sử Địa chúng tôi được học với thầy Tôn Thất Lôi, một vị thầy lớn tuổi, khả kính. Cách giảng bài của thầy khác với những thầy cô trước đây. Thầy thường đặt những câu hỏi và yêu cầu học sinh trả lời trong giờ học chứ không chỉ thuần đọc chép. Và nếu tôi nhớ không nhầm thì lần đầu tiên chúng tôi tiếp xúc với kiểu thi trắc nghiệm từ những bài kiểm tra, thi học kỳ môn Sử Địa của thầy Lôi. Thầy cũng đa năng trong các hoạt động tập thể như tổ chức cắm trại, làm quản trò. Ngay việc xây dựng cổng trường An Lương Đông ngày ấy cũng có thầy tham gia thiết kế, vẽ mẫu.
        Vào giờ Việt văn chúng tôi thích thú với những chuyện kể của thầy Trương Quang Yến, những bài giảng về thân phận nàng Kiều, những áng văn thơ bất hủ của Bà Huyện Thanh Quan hay của Uy viễn tướng công Nguyễn Công Trứ,…
        Bọn học trò chúng tôi lúc ấy cũng có nhiều người quậy, nghịch. Có bạn đã hút thuốc lá, có bạn ham chơi bài xì tẩy, các-tê hay đá jeutons. Tôi còn nhớ một kỷ niệm vào giờ Lý Hoá của cô Nguyễn Thị Thanh. Lần ấy, mấy học sinh về nghỉ trưa tại nhà bạn Huỳnh Ngọc Hoà bên xã Lộc Điền. Trong nhà đi vắng, bạn ấy nấu cơm làm đồ ăn khá ngon và bưng ra một bình rượu thuốc, chắc là rượu của bố. Bạn bè khích nhau, mỗi đứa uống mấy ly, gần hết bình. Chúng tôi bị chếnh choáng nhưng đến giờ học buổi chiều thì cũng phải vào lớp. Có lẽ cô thắc mắc khi thấy có vài trò mặt mày đỏ bừng không rõ lý do, tôi cũng là một trong số ấy. Cô gọi tôi lên bảng kiểm tra bài cũ, may là tôi trả lời được nhưng không may có mùi rượu toả ra, cô biết ngay chúng tôi đã uống rượu. Khi tôi chuẩn bị bước về chỗ ngồi, cô nhẹ nhàng bảo:
       - Sao em lại uống rượu thế Hoàng?
Có lẽ vì ảnh hưởng của hơi men, tôi bỗng nhiên bạo dạn một cách không ngờ khi trả lời cô:
      - Thưa cô, em uống rượu để xem thử cảm giác của người say như thế nào.
        Cả lớp cười ồ lên, cô ngạc nhiên, chau mày tỏ vẻ không hài lòng và bảo:
     - Nói bậy, lần sau đừng có uống nữa, thôi đi về chỗ.
       Tôi dạ lí nhí và bước nhanh về chỗ ngồi.
      Mặc dù chúng tôi sai bét nhè, đáng bị tội nặng nhưng cô không mắng mỏ nhiều, chỉ nhắc nhở như vậy. Có lẽ đó là một kỷ niệm nhớ đời trong thời học sinh của tôi.
      Học sinh của trường trung học An Lương Đông phần lớn từ bốn xã Lộc Bổn, Lộc Sơn, Lộc An và Lộc Điền của quận Phú Lộc đến học. Những bạn ở Lộc Bổn và Lộc Sơn  đến trường bằng đủ mọi phương tiện: đi bộ, xe đò, xe lam và xe đạp. Vào buổi sáng sớm, học sinh thường tập trung từng nhóm chờ xe. Hể có một chiếc dừng lại, chúng tôi chen chúc nhau lên xe, thậm chí bu ngoài cửa, leo lên trần để kịp đến trường.
      Thời khoá biểu chia từ thứ hai đến thứ sáu, nhiều khi học cả hai buổi sáng chiều. Những học sinh ở xa trường thường ở lại buổi trưa nếu như học cả ngày. Lúc nào các bà mẹ rãnh, dậy sớm thì chuẩn bị bữa trưa cho mấy cô cậu học trò mo cơm dẻo với muối mè hay vài con cá kho mặn. Nếu không thì lót dạ bằng ổ bánh mì mua ở quán trước trường và cũng có khi đành mang bụng trống vào học buổi chiều. Chúng tôi cũng quen với những cái no cái đói như vậy.
     Những buổi sáng đẹp trời, gặp dịp nghỉ hai giờ cuối, tôi hay về nghỉ trưa tại nhà các bạn cùng lớp ở gần trường. Tôi nhớ nhiều lần cùng với Lê Điểu về nhà ngoại của anh, một căn nhà gỗ trong nếp vườn rộng ven bờ sông Truồi. Sau khi ra sông tắm, bơi lội thỏa thích, mấy anh em vào nhà cùng nấu ăn. Cơm nước xong, ngả người trên bộ phản gỗ, tôi nghe tiếng chim ríu rít trên mấy hàng cau quanh nhà. Bài vở cho buổi chiều đã chuẩn bị, tôi có một cảm giác sảng khoái, nhẹ nhàng.
     Chúng tôi sống trong không khí chan hoà ấm cúng của tình thầy trò, tình bè bạn như vậy. Có những buổi sáng đang đứng chờ xe về trường, gặp được thầy Phiên, thầy thường dừng xe gắn máy, cho phép tôi đi nhờ; những buổi chiều cùng bạn bè cuốc bộ hay chở nhau về bằng xe đạp cà tàng. Có những hôm mưa gió bão bùng, chúng tôi lóp ngóp trong những tấm nylon,… Đó là những mảnh kỷ niệm của tuổi học trò thơ dại gắn bó với mái trường An Lương Đông.
     Lớp tôi có gần 40 học sinh nhưng chỉ có 4 bạn nữ. Do ở nông thôn thời ấy phần nhiều học trò đi học muộn nên bạn bè cùng lớp đôi khi cách nhau 4,5 tuổi; cuối năm lớp đệ tứ đã có người cưới vợ. Tuy vậy mọi người cư xử khá bình đẳng, không có cảnh lớn bắt nạt bé. Những cậu học trò bé óc tiêu nhưng học giỏi thì cũng được những anh, chị lớn tuổi quý mến và nể trọng. Ngôi trường lúc ấy đang còn bé, khoảng chừng 7, 8 lớp, học sinh khá gần gũi nên trước và sau một khoá chúng tôi cũng quen nhau, nhất là những bạn học giỏi, khá hay có năng khiếu về văn nghệ, thể thao thế nào cũng được nhiều người biết đến.
     Tuổi học trò với niềm vui của ngày tựu trường, hân hoan khi những ngày nghỉ tết âm lịch đang dần đến, lúc mà kỳ thi đệ nhất lục cá nguyệt vừa kết thúc; man mác buồn lúc chia tay nghỉ hè. So với các bạn cùng lớp, tôi học hành tương đối nhẹ nhàng, bài vở không là mối bận tâm nên luôn luôn thích đến trường, đến lớp. Ở nhà  không có trò chơi gì thú vị, đôi lúc phải làm việc nhiều, tôi cảm thấy thời gian dài lê thê  trong 2 ngày thứ bảy và chủ nhật cuối tuần,…
     Tuổi học trò thời trung học diễn ra những bâng khuâng, xao xuyến trong lòng vì tuổi dậy thì chợt đến. Chúng tôi đang tuổi  mười lăm, mười sáu bắt đầu có những rung động, cảm xúc về bạn khác phái. Những buổi đến trường nếu bắt gặp người mình thầm để ý thì lòng dậy lên những niềm vui sướng, rộn rã. Dáng hình của bạn nữ với chiếc áo dài trắng bừng lên qua nắng mai hồng hay vừa vặn trong chiếc áo len màu xanh biển lúc trời trở lạnh vào ngày đông như những cánh hoa quý giá, chỉ dám đứng xa để ngắm với tâm hồn thanh tân, không gợn chút vẫn đục. Trái tim luôn đập mạnh khi đi bên cạnh người ấy nên chẳng bao giờ dám bạo dạn ngỏ lời bâng quơ, bóng gió vì cái đẹp ấy cũng mong manh lắm, nhỡ mà rạn vỡ thì sẽ buồn biết bao.
      Bốn năm tôi học ở trường trung học mến yêu An Lương Đông, một quãng đời không ngắn của tuổi học trò, đã khắc bao kỷ niệm. Nay trở lại trường xưa, khi tóc đã đổi màu, nhìn đàn em tung tăng đến trường mà ngỡ mình như đang sống lại của ngày tháng thời xa xăm…
                                                                                           Huế, tháng 10 năm 2005

2 nhận xét:

  1. Nếu tính chính xác thì con 9 tháng 10 ngày nủa mới tròn 40 năm mình xa mái trường thân iu ALD.

    Đố các bạn biết mình là ai ?

    Bật mí " một thằng nhóc khóa 8 ALD hiền khô như con gái "

    Nếu thông minh giỏi toán nhu Hoàng ma nghi khong ra thi email về hoctroanluongdong@yahoo.com sẽ có câu trã lời trong 1/2 giây đồng hồ.

    Rất vui, cảm động ( chãy nước mắt ), xao xuyến khi đọc từng chữ từng chữ một trên trang blog cu>a Hoàng.

    Chúc người bạn cũ có cái XOÁY trước tráng giống tui luôn mạnh khõe .

    Mến chào ( cụ già non ) Nguyễn Hoàng

    Trả lờiXóa
  2. Mình nghĩ là mình đoán ra bạn là ai rồi, dấu hiệu quan trọng là cái xoáy trước trán, với nữa là bạn ở Lộc Điền, he he.

    Rất mong bạn góp thêm hồi ức về chuyện ald ngày xưa và thông báo cho bạn bè ald khóa 8 ở hải ngoại cùng ghé vào thăm lại chốn "ảo" xưa này.

    Chúc bạn được thật nhiều sức khỏe, hạnh phúc. Mong ngày gặp lại.

    Hoàng
    ---

    P/S Đố bạn: Bạn có nghĩ là mình đoán đúng tên bạn không? hì hì.

    Trả lờiXóa