Ảnh bạn bè

Ảnh bạn bè
Chụp chiều ngày 12/9/2010

Thứ Ba, 5 tháng 10, 2010

Chuyện con dê con ngỗng,... hehe

Người viết:
Nguyễn Hoàng


Tiếp theo chuyện con cà con kê trước, nay là chuyện con dê con ngỗng nhé,...

Các năm học tại ALD, học trò ở các xã Lộc Bổn, Lộc Sơn đến trường bằng mọi phương tiện: xe đạp, xe lam, xe đò, ô tô bước,.. đủ cả. Đi bộ hay xe đạp thì hay cặp kè thành từng nhóm. Đi xe đò hay xe lam thì ra quốc lộ 1, đón dọc đường. Khi ít người thì xe dừng, có khi xe đầy chỗ xe chạy thẳng, học trò phải chờ chuyến khác. Nhiều lúc sợ trễ học hoặc muốn về nhà sớm, nhiều bạn bám, đu người vào cửa xe hoặc nhảy đại lên trên trần xe thật nguy hiểm. Nhưng may mắn là không ai bị tai nạn gì cả mà không hiểu sao thời đó, học sinh cũng như người lớn lại liều mạng kiểu đó nay nhớ lại thấy cũng kinh hoàng.

Đi xe đạp nhiều lúc cũng khổ vì không phải bạn nào cũng có xe tốt. Thường xe không phanh, không thắng, không chắn bùn. Sên xích thì cà giật, thêm nữa ai có xe cũng thường đèo thêm bạn bè nên xe chóng bệ rạc. Cuối năm lớp 6, có lần mình đi chiếc xe cà tàng, trên đường về nhà, mới ngang cầu Chợ Hôm bỗng dưng bánh xe sau bị siết côn, cứng đơ không chạy được. Dừng lại, cố gắng đẩy thì bánh xe tuột ra khỏi sườn. Không biết làm sao đành phải vác bộ xe vì trong túi chẳng có hào nào để sửa xe. Vác đi một đoạn, cái vai ê ẩm, bầm đỏ đành vất xe bên lề đường để nghỉ rồi tiếp tục lê bước. Mọi người đã về cả, chỉ còn lại một mình nên vừa vác xe đi, nước mắt vừa chảy, cuối cùng cũng về đến nhà khi trời chập choạng tối. Và những ngày tiếp theo mình hoặc là nhảy xe đò hoặc cuốc bộ. Dù vậy nhưng mình nhớ suốt thời gian đi học mình không trễ hay vắng buổi nào.

Học trò thời ấy cũng ba trợn, nghịch dại nhưng người lớn ít quan tâm, ngăn chặn. Mình nhớ đôi lúc tan trường, từ Truồi lên Nong, có những bạn ngồi trên trần xe lam, thủ sẵn một nắm đá. Khi xe chạy ngang qua mấy chú đi xe đạp thì ném đá xuống và các chú đi xe đạp cũng ném lại trả đũa, đôi lúc trúng vào hành khách đi xe. Cũng có vài chú u đầu sứt trán vì những chuyện này nhưng may là không có chuyện nghiêm trọng xảy ra.

Học trò đến trường sáng sớm thường ghé vào mấy quán cạnh cổng trường để mua nửa ổ bánh mì lót dạ. Giờ ra chơi, nhiều bạn đá jeuton, hét hò ồn ào; nhóm bạn khác gọi cà phê để uống, có bạn đã hút thuốc lá, thường là thuốc lá Mẽo như Salem, Winston, Lucky,... hoặc là thuốc lá Jacq có mùi bạc hà,... có lẽ ưa làm người lớn chứ chưa phải thuộc loại nghiện! Bia rượu thì chưa ai đụng vào.

Đối với các bạn ở xa, gặp những ngày học cả 2 buổi thì thường bới cơm trưa trong chiếc mo cau hay lon Guigoz, gồm nắm cơm với vài con cá mặn hay muối mè. Giờ trưa, bạn bạn ngồi quây quần san sẻ những vốc cơm, miếng cá. Nếu không bới cơm theo thì hoặc là mua ổ mì hoặc đơn giản là nhịn đói. Rồi thời gian cũng trôi qua, buổi học chiều lại đến và cơn đói cũng dịu đi cho đến lúc về nhà để ăn cơm chiều thay cho bữa trưa.
Hai lớp cùng khóa Anh văn và Pháp văn thường học các phòng liền kề, học trò hầu hết biết nhau cho dù có thể không chuyện trò giữa hai phái nam, nữ. Năm lớp đệ ngũ, Thầy Phiên thường dạy thêm toán cho cả 2 lớp vào giờ nghỉ ban trưa nên bạn bè 2 lớp khá gần gũi. Lớp Pháp văn có một số bạn tuổi tương đối lớn, hoạt bát, năng động trong các sinh hoạt tập thể như Lê Văn Bá, Hoàng Thi Thơ Tâm, Trần Hữu Lưa,... Còn lớp Anh văn thì có vẻ chỉ biết học chứ ít tham gia văn nghệ, báo chí vì không ai có năng khiếu những món này.

Học trò thời này hát đủ loại bài hát bát nháo trong những dịp văn nghệ của trường vào dịp cuối năm hay dịp hè. Gắn với tuổi học trò thì có những bài như “Nỗi buồn hoa phượng”, “Ngày tựu trường” (Thanh Sơn); “Trường cũ tình xưa”, “Mùa chia tay” (Duy Khánh), “Họp mặt lần cuối” (Hàn Sinh), v.v... cũng được hát bên cạnh những bài như là “Hai mùa mưa”, “Cánh thiệp đầu xuân”, thậm chí là “Nhịp cầu tri âm”, “Con đường xưa em đi”, “Những đóm mắt hỏa châu”,... dành cho người lớn và lính lác nữa!
(mời nghe Nỗi buồn hoa phượng)

Vào dịp tết năm đệ lục, lớp mình được cô Thanh Ngọc hát bài “Diễm xưa”, có lẽ lần đầu tiên mình được nghe tình ca của Trịnh Công Sơn vì trước đó mọi người thường hát “Gia tài của mẹ” hoặc “Đại bác ru đêm”, “Tình ca người mất trí” nhiều hơn.

Mình nhớ, từ năm lớp đệ ngũ trở đi một nhóm học sinh khoái chuyện trò với nhau bằng ngôn ngữ đặc biệt: nói lái kiểu ghép hai, ghép ba. Ví dụ, thay vì nói “Hôm nay, tôi đi học” thì bạn sẽ nói như sau: “Môm hi may ni môi ti mi đi, moc hi” hoặc phức tạp hơn sẽ là: “Môm ka hi may ka ni môi ka ti mi ka đi moc ka hi”, tức là ghép một chữ mới chữ “mi” hoặc “mi ka” rồi nói lái lại, chẳng hạn chữ “hôm” thì ghép thành “mi hôm” rồi đọc thành “môm hi” nói lái trở thành “mi hôm” tức là "hôm". Mới nhìn qua tưởng là phức tạp thế nhưng nhiều người “học” nhanh ra phết và khoái xài cái “ngôn ngữ tây đui” này.

Nguồn gốc của ngôn ngữ tây đui này không rõ xuất phát từ đâu. Chỉ biết rằng trong truyện dài “Thằng Vũ” của Duyên Anh, ông cũng cho nhân vật chính, Vũ và bạn bè của nó cũng xài kiểu như trên nhưng ghép với từ “la” thay cho từ “mi”. Bạn Huỳnh Văn Khanh (mất sớm), mình và nhóm bạn của lớp Pháp văn kể trên thường giao tiếp với nhau theo kiểu này.
(còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét