Ảnh bạn bè

Ảnh bạn bè
Chụp chiều ngày 12/9/2010

Chủ Nhật, 31 tháng 10, 2010

Con dê con ngỗng rồi nay đến dây cà dây muống, hi hi,...

Người viết:
Nguyễn Hoàng

Viết tiếp chuyện linh tinh về bạn bè, ...

     Khoảng năm đệ ngũ, đệ tứ khi trong lớp khá quen thân với nhau và cũng đã lớn khôn thêm một ít, bạn bè thường hay tụ hội thành từng nhóm với nhau. Các bạn ở Truồi thì lên Nong, các bạn Nong thì ghé về Truồi.
    Hồi ấy, vườn nhà mình trồng khá nhiều ổi và đào tiên. Vào khoảng tháng 4, 5 sau khi thi học kỳ 2 xong, chuẩn bị nghỉ hè bạn bè như Lê Điểu, Lý Đắc Địch, Nguyễn Chi,... ghé lại nhà mình, tha hồ hái ổi, hái đào ăn thoải mái. Ở quê mình vào dịp đó, hằng trăm thửa ruộng vùng đầm bị nước mặn xâm nhập không canh tác được nên có khá nhiều tôm cá, trìa hến. Các bạn như Trần Xuân Hòa, Lê Điểu,... cũng đôi lần đi bắt tôm, cá như ngoài ruộng đầm với mình. Mỗi đứa mặc chỉ mỗi chiếc quần xả lỏn, cài một chiếc tất bên lưng quần, hụp lặn dưới ruộng sâu để bắt những con tôm càng, tôm sú hay tôm bạc to, nằm lẫn trong những đám rong lá dài. Tóm được con nào thì cho vào chiếc tất con nấy. Nếu lặn theo bờ ruộng thì có thể bắt được những chú cá bống khá to, nằm trong mấy chiếc hang do chúng tạo ra hoặc lật những chiếc ống bơ, lon đồ hộp ném dưới nước, đôi lúc cũng bắt được mấy con bống than, bống cát. Những “chiến lợi phẩm” này đem về nhà, bổ sung cho nguồn thức ăn của bữa cơm sau đó, ai nấy đều vui. Mình cũng nhờ “lặn lội” ở mấy đồng ruộng đó nên mới biết bơi dù bơi không giỏi.
    Dịp đó mình cũng hay về nhà các bạn ở Truồi chơi như đã kể ở câu chuyện trước, sau này thỉnh thoảng mình lại ghé nhà bạn Nguyễn Ngọc Mùi chơi, đôi lần ở lại ăn cơm trưa. Trong lớp, Mùi học trội nhất là môn Anh văn, phát âm rất chuẩn và tích lũy vốn từ vựng khá nhiều, được thầy Hồ Văn Bá khen ngợi. Đặc biệt, Mùi viết chữ rất đẹp; nét đều tăm tắp giống như nét chữ của thầy Huỳnh Ngọc Phiên nhưng tròn trịa hơn.
    Vào dịp cuối hè cuả năm lớp 9, mình cùng với Mùi và Huỳnh Phiên về quê của Phiên ở Lăng Cô chơi. Lớp mình ai cũng kính trọng và mến phục thầy Phiên nên bạn Huỳnh Phiên cũng có phần tự hào khi có tên họ gần giống thầy. 
    Ba đứa đến Lăng Cô dịp ấy trời hơi âm u, gió nhiều. Cả bọn lội xuống đầm Lập An chơi, rượt bắt những chú cá nhỏ, đi qua gần phía Hói Mít, Hói Dừa,... Ở giữa đầm nước không sâu lắm, chỉ quá ngực một chút, có rất nhiều rớ lớn (rớ bà) đánh cá của bà con ngư dân; muốn kéo rớ phải dùng trục quay có những chiếc cần và dây tời để quay nâng lưới rớ lên. Cả ba đứa nghịch ngợm leo lên chòi của một cái rớ đang nằm dưới nước, quay kéo chơi. Khi bốn góc rớ lên khỏi mặt nước, cá tôm bắt đầu vùng vẫy bên trong, thấy rất khoái. Mình không nhớ bạn nào quay trục, thế rồi bạn ấy vuột tay, cái cần trục quay ngược vù vù rất mạnh và cái rớ chìm nghỉm xuống nước trở lại. Thật là hú vía và quá may mắn. Nếu khi quay trả mà cái cần trục đó đánh vào mặt, mũi đứa nào đó chắc là không trành khỏi vỡ mặt, bay luôn bộ hàm nhai, thế thì cuộc đời đi tong sớm. Bọn mình quá khiếp nên không chơi dại lần nữa.
    Buổi chiều, cả bọn vượt qua mấy đồi cát, phía bờ biển của Lăng Cô. Hôm đó gió nhiều, những cơn sóng lớn từ xa đổ vào chồm lên bờ một cách hung hãn nên không đứa nào xuống tắm. Trở lại nhà của gia đình Phiên là bữa cơm với món ăn cá, mực và mùi nước mắm thơm lừng,...
    Đến lớp 10, mình lên học trường Hàm Nghi, Mùi học An Lương Đông nhưng 2 đứa vẫn gắn bó và có nhiều kỷ niệm. Đến đầu năm lớp 11, sau mùa hè đỏ lửa 1972 là lệnh đôn quân của Sài Gòn, những bạn sinh năm 1955 (được 17 tuổi) đang học từ lớp 11 trở xuống là phải đi lính. Lớp mình có mấy bạn bị động viên nhập ngũ trong đợt này, đó là Trần Xuân Hòa, Nguyễn Ngọc Mùi, Thái Quý Đương (?) (hình như có thêm ai nữa mình không chắc lắm, riêng Huỳnh Văn Khanh, Huỳnh Ngọc Hòa thì đã đi lính trước đó). Mình nhớ Mùi được phiên chế vào lực lượng chuyên viên không quân, huấn luyện tại Nha Trang 6 tháng rồi mới về đơn vị sửa chữa máy bay trực thăng. Còn Trần Xuân Hòa đi bộ binh thì phải (?)
    Trong thời gian bạn bè đi lính, mình may mắn còn được đi học, đã thường xuyên thư từ với Mùi (còn các bạn khác không liên lạc được). Hầu như hằng tuần 2 đứa đều viết thư cho nhau, an ủi động viên nhau vượt qua những chướng ngại trước mắt trong cuộc đời. Có lần, để gây ngạc nhiên nho nhỏ cho Mùi, mình viết bức thư rồi bỏ vào 1 chiếc phong bì nhỏ, dán lại. Phong bì này được bỏ vào phong bì khác to hơn và dán lại. Cứ làm như thế cho đến 5 cái bì thư; cái ngoài cùng mới ghi người nhận là Nguyễn Ngọc Mùi, còn người gửi đề là Nguyễn Ngọc Tỵ (tên khác của Mùi). Khi nhận, Mùi ngạc nhiên, chuyện đó cũng làm vui lên vài phút cho cuộc sống ở quân trường. Khi học xong, về đơn vị thì Mùi ít liên lạc hơn vì chắc là quá bận rộn.
    Thư từ bè bạn, kỷ vật thời học sinh mình có ý thức giữ gìn cẩn thận. Tuy nhiên sau nhiều lần thay đổi chỗ ở và giai đoạn lộn xộn của những ngày vừa giải phóng, mình đánh mất những sưu tập này. Thật đáng tiếc!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét