Ảnh bạn bè

Ảnh bạn bè
Chụp chiều ngày 12/9/2010

Thứ Tư, 29 tháng 9, 2010

Ngày xưa một thuở

Người viết:
Nguyễn Hoàng

Kể chuyện ngày xưa dưới dạng bịa chuyện coi bộ dễ hơn kể chuyện thật. Trong khi chờ có thời gian viết tiếp chuyện con cà con kê rồi con dê con ngỗng, mời các bạn đọc cho vui một truyện ngắn, lấy bối cảnh về trường lớp ngày xưa để viết.

Xóm Hạ nằm về cuối sông Truồi quy tụ phần lớn những hộ nghèo, ít người quan tâm hoặc có điều kiện cho con học hành đầy đủ. Việc Trung thi đậu vào đệ thất là niềm tự hào cho gia đình đồng thời đó là tin vui lan truyền khắp xóm. Vài người con, cháu của nhà thầu khoán ở xóm Thượng dù giàu có, khá giả nhưng mấy lần thi vẫn không qua được nên phải học trường bán công. Năm đó, với trên 400 thí sinh dự thi vào trường trung học An Lương Đông mà ban giám khảo chỉ lấy đỗ 80 học sinh nên việc vượt vũ môn quả không là đơn giản. Người mừng nhất là bà Thảo, mẹ Trung, từng hôm chắt chiu bát cơm trắng, miếng canh ngọt cho Trung ăn để học thi, nay coi như một phần công sức của bà được đền đáp.
Trung là con thứ ba trong nhà. Chị đầu và anh kế lớn hơn gần cả chục tuổi còn Thanh, cậu em kế cũng là út, thua Trung bốn tuổi được ba mẹ cưng chiều, học cũng giỏi nên đôi lúc hay cãi bướng Trung. Vồn hiền và chiều em nên Trung ít tỏ ra vai trò của ông anh, chẳng thể nào bắt nạt cậu em út của mình.
Dì Tư ở cuối xóm Hạ, cách non nửa cây số, vốn là bạn quen biết với mẹ Trung. Nhà cửa tuyềnh toàng. Minh, con gái đầu ở nhà giúp dì bán hàng xén, còn Vũ, cậu con trai lớn thì mấy năm trước đó thi hỏng nên đã vào Đà Nẵng phụ việc và học nghề cơ khí. Cô út Lan thì thua Trung 2 tuổi có triển vọng học khá hơn. Hồi còn bé xíu, Trung nhớ có lần được chú Tư, chồng của dì cho kẹo khi mẹ dẫn Trung đến nhà chơi, nay không biết đi đâu biền biệt. Hỏi mẹ, mẹ suỵt suỵt, bảo là chuyện người lớn. Mãi về sau mới biết là chú Tư dạo ấy lên rừng, đi tập kết ra miền Bắc.
Mẹ hay sai vặt Trung, bảo chạy xuống dì Tư mua giúp mấy đồng nước mắm hay miếng đường thắng. Trung cũng hay ghé mua cho mình lúc vài chiếc kẹo, khi thì nhúm dây thun, gặp dì thì thế nào dì cũng bán rẻ, có khi còn được dúi quả ổi, trái chuối. Bởi vì đôi lúc mưa gió lớn, hay bận việc dì Tư cũng thường nhờ Trung đi về cùng với em cho yên tâm.
Từ lúc Vũ đi Đà Nẵng, bé Lan cảm thấy hụt hẫng và nhớ vì Vũ thường bảo vệ, che chở em khỏi bị mấy đứa nhỏ bắt nạt. Nay dần dần Lan cũng coi Trung như anh mình, thỉnh thoảng còn làm nũng khi đòi bắt chuồn chuồn ớt, khi hái hoa dại trên đường đi học về. Có lần Trung cố kiễng chân để khoèo chiếc hoa lục bình tím cho Lan, không may rơi xuống bờ sông ướt cả áo quần, Lan hốt hoảng la lên, nhưng Trung lội vào được, chỉ cái tội là lúc về nhà bị mẹ đánh một roi vào mông đau quắn vì làm dơ quần áo.
Nghe tin vui, dì Tư liền đến nhà chơi, mang mấy cuốn vở mới và chùm dây thun biếu cho Trung coi như mừng cậu học trò thi đậu. Chuyện trò với mẹ Trung hồi lâu, dì có ý nhờ Trung kèm giúp cho Lan học trong thời gian tới.
***
Những cơn mưa rào vội vả tiễn kỳ nghỉ hè, trời đất mát dịu hơn cũng là lúc Trung chính thức bước vào trường trung học, để lại sau lưng tháng năm học ở trường tiểu học với hình ảnh cậu bé con nhếch nhác, ôm mấy cuốn vở le te xộc xệch nhiều lúc quên cả mũ nón. Giờ đây, đến trường không chỉ còn quanh quẩn với gốc đa đầu làng, theo con đường đất chạy dọc bờ sông rợp bóng tre quen thuộc mà phải đi thêm một đoạn đường rải sỏi để lên đường nhựa, vượt qua cầu Truồi một quãng khá xa mới đến trường Trung học An Luơng Đông.
Ngôi trường lúc bấy giờ còn sơ khai lắm, chỉ có 2 dãy nhà song song, mỗi bên 3 phòng còn ở giữa là khoảng sân cỏ mênh mông. Phòng thứ nhất của dãy bên trái nhìn từ ngoài cổng được dành cho thầy Hiệu trưởng và các giáo viên làm việc, 2 phòng kia sơn màu cánh gián với những chấn song khá lớn thay cho cửa sổ khiến cho ai đó đã gọi một cách hài hước là chuồng bò nên 2 phòng học này đã chết danh từ đó. Ngoài ra có một vài phòng đang xây dang dở. Trung ban đầu thắc mắc, tưởng là lên bậc học cao thì trường, lớp phải to hơn, đẹp hơn để khoe với bọn bạn trong xóm, có đứa lớn tuổi hơn cả Trung mà vẫn còn học tiểu học. Nhưng khi biết trường trong quá trình xây dựng nên cậu không còn băn khoăn và rồi ngôi trường nhanh chóng trở nên thân quen và ấm cúng như mái trường tiểu học cũ.
Được bố dẫn đến trường hôm khai giảng, Trung không có tâm trạng e dè của cậu học trò nhỏ như Thanh Tịnh mô tả trong câu chuyện “Tôi đi học”, rằng “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường...” vì Trung cảm thấy mình đã lớn, vì mình được học lên bậc trung học. Và bố cũng chỉ dẫn buổi này thôi còn về sau Trung hẹn với các bạn xóm trên để cùng đi. Nhẩn nha thì mất gần nửa giờ để đến trường nhưng thường Trung và các bạn đến sớm hơn một chút để chơi vũ cầu trong sân trường hay ghé lại đá jetons ở mấy quán bán phía trước cổng trường.
Khi việc học đã ổn định, Trung nghe lời mẹ bảo, cứ cuối tuần đến coi bài vở cho Lan. Dù Lan mới bước vào lớp nhì nhưng với kinh nghiệm học hành không đến đầu đến đũa của Vũ, dì Tư nhờ Trung chịu khó kiểm tra bài, nhất là môn toán. Trung trở thành cậu giáo, lúc dạy kèm thấy cũng oai ra phết. Thỉnh thoảng thầy cũng cũng nhịp nhịp chiếc roi dọa dẫm khi Lan không làm được bài và lúc đó thế nào Lan cũng rươm rướm nước mắt, mếu máo. Nhưng nhờ vậy mà Lan học khá hẳn lên, cuối năm nhận được phần thưởng hạng nhất. Năm sau, vào dịp hè gần ngày thi, Trung thật sự dành nhiều thời gian dò bài, ra thêm nhiều bài tập toán bắt Lan ôn tập. Nhờ vậy, đến kỳ thi vào đệ thất, Lan làm bài rất tự tin và tất nhiên được đỗ thứ hạng khá cao, xóm Hạ có thêm niềm vui mới và uy tín của Trung tăng lên. Cậu học trò lớp đệ ngũ được bà con đầu làng cuối xóm nhờ cậy kèm cặp con em mình, bố mẹ Trung kê mấy chiếc bàn ghế cũ ngoài hiên nhà để giúp cho bọn trẻ, nhưng chỉ trong mấy tháng hè còn vào năm thì Trung phải dành thời gian để học. Riêng bé Lan thì Trung tiếp tục bày vẽ trong thời gian chập chững bước vào lớp đệ thất. Dì Tư thì thật sự tin tưởng vào Trung nên ngay những chuyện rút học bạ, nộp hồ sơ, đưa Lan đến trường mới, Trung với vai trò người anh đi làm tất. Người ngoài tưởng chừng 2 đứa là anh em ruột.
Trở lại chuyện trường lớp. Vào bậc trung học, Trung thấy nhiều cái khác đó là một lớp được học nhiều môn mới với những thầy cô khác nhau chứ không như hồi tiểu học. Những môn học như Việt văn, Lịch sử, Địa lý thì không lạ, chỉ có Anh văn là môn mới toanh, Trung rất khoái. Chưa học được nhiều nhưng nhờ có cuốn tự điển Anh Việt, Trung cũng biết vỏ vẻ mấy chữ trên xe jeep hay xe GMC chở mấy toán lính Mỹ chạy trên đường quốc lộ. Môn toán cũng có nhiều cái mới, nhất là phần hình học. Ở tiểu học, bài tập chủ yếu là các bài toán đố, giải và tìm đáp số nhưng vào trung học phải làm những bài toán chứng minh hình học, ban đầu chưa quen cách lập luận, trình bày nhưng Trung đã cố gắng vượt qua và sau này có kinh nghiệm giúp cho Lan.
Khi Lan vào bậc trung học thì Trung không còn dạy kèm thường xuyên nữa mà thỉnh thoảng Lan mới đến hỏi bài mà cũng chủ yếu môn toán. Lan học cũng khá nhưng thường hay mất bình tĩnh khi làm bài. Với kinh nghiệm của người đi trước và sự kèm cặp, rèn dũa khá nhiều của Trung nên rồi Lan học có phần nhẹ nhàng vững tin như hồi thi vào đệ thất vậy. Chẳng hạn, vào năm đệ ngũ, Lan bị các bạn lớp trước dọa là cái món toán quỹ tích khó xơi lắm. Đúng là khi nghe từ “quỹ tích” đã thấy kỳ bí, thêm nữa các khái niêm phức tạp nào là điểm cố định, điểm biến thiên, đại lượng không đổi, v.v... mà sau này nhiều bạn khác trong lớp vẫn còn sợ khi nghe đến loại toán này nhưng rồi Lan cũng vượt qua nhờ Trung giảng kỹ và nêu rõ bản chất của các khái niệm đó.
Dù sao, con gái học toán cũng vất vả hơn con trai. Những lần giải các bài toán “nhà lầu”, tức là rút gọn các biểu thức đại số phức tạp bằng các phép toán, Lan phụng phịu không muốn làm thì Trung vẫn ra oai dù cho sau này cậu giáo ít nghiêm khắc. Đôi lúc Lan làm con tính sai, đặt dấu ngoặc nhầm chỗ hoặc chọn trung điểm của đoạn thẳng không đúng là Trung lên giọng: Này, mở mắt cho to mà tìm 2 đoạn thẳng bằng nhau đi nào! Hoặc: Coi chừng xuống lớp năm mà làm toán cộng lại,... Những lúc như vậy, tâm trạng của Lan căng thẳng, vừa sợ như lúc bị thầy gọi lên bảng trả lời nhưng cũng có cảm giác tưng tức. Rồi khi học xong hoặc Lan hiểu và làm được bài, Trung trở lại nét mặt hiền hòa và nhỏ nhẹ nhắc Lan, tạo cho cô học trò lấy lại được bình tĩnh, hiểu và nhớ những kiến thức Trung bày vẽ. Cũng nhờ cậu giáo nghiêm khắc nên bài tập ở nhà, bài kiểm tra ở trường Lan đều nhận điểm cao, được thầy khen nhưng phần nào cũng bị bọn con trai cùng lớp tỏ ra khó chịu và ghen ghét vì thầy giáo hay nói khích rằng, bọn con trai gì mà học kém, đáng xách guốc cho Lan.
Học môn Việt văn quả thật thú vị. Mỗi năm thì được học những tác phẩm văn học khác nhau gồm có cổ văn và tân văn. Cổ văn thì có những bài văn vần gồm ca dao, tục ngữ, đồng dao; các áng văn thơ của Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến; các truyện thơ như Bích câu kỳ ngộ (khuyết danh), Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, truyện Kiều của Nguyễn Du.
Về tân văn thì học sinh được học những tác phẩm của Tự lực văn đoàn như các truyện Hồn bướm mơ tiên, Nửa chừng xuân của Khái Hưng; Đoạn tuyệt, Đôi bạn của Nhất Linh, ... Nhiều bạn trong lớp rơm rớm nước mắt khi học trích đoạn của truyện ngắn “Anh phải sống”, kể chuyện 2 vợ chồng vớt củi giữa sông Hồng trong mùa lũ. Khi chiếc thuyền nan bị chìm, người chồng dìu người vợ cố bơi vào bờ. Đến lúc thấy người chồng bắt đầu đuối sức, có lẽ sẽ chết cả đôi thì người vợ thốt lên: - Thằng Bò! Cái Nhớn! Cái Bé!... Không!... Anh phải sống! và lẳng lặng buông tay chìm xuống đáy sông.
Thỉnh thoảng thầy giáo chia lớp thành nhóm để thuyết trình một truyện ngắn hay trích đoạn của truyện dài. Trưởng nhóm phân công, bạn này thì tóm tắt câu chuyện, phân vai, các bạn kia đóng kịch, các bạn khác thì bình luận chuẩn bị để trả lời các câu hỏi của thầy v.v… Những truyện ngắn của Thạch Lam như “Gió lạnh đầu mùa”, “Quê mẹ” của Thanh Tịnh cũng đọng lại trong tâm hồn học trò tình người chân chất, nhân ái.
Tuy nhiên giờ Việt văn không phải lúc nào cũng thú vị. Thứ nhất, khi học một bài thơ hay bài trích giảng văn học nào học trò cũng phải soạn mấy mục: Văn thể, xuất xứ, đại ý, bố cục,... đôi lúc mang tính hình thức, khuôn sáo. Thứ hai, có đôi giờ học, thầy cho lớp trưởng đọc hay chép bài soạn lên bảng để cả lớp ghi bài. Lúc đó con buồn ngủ cứ đậu trên mi mắt, nhất là trời hè, gió hiu hiu từ cánh đồng thổi vào.
Môn Anh văn được học theo bộ sách English For Today. Ngoại trừ Book 1 dành cho lớp đệ thất với tiêu đề “At home and at school”, tương đối khô khan, các cuốn sau rất hấp dẫn. Bên cạnh học tiếng Anh, học sinh cũng tăng thêm những kiến thức về lịch sử, văn hóa và cuốc sống con người trên thế giới nhờ các bài text trong bộ sách này. Đúng là Lan có năng khiếu về ngoại ngữ nên chưa bao giờ Lan hỏi Trung điều gì và Trung do học môn này khá vất vả nên làm lơ, không khi nào nói chuyện về môn tiếng Anh, cho dù Trung đã học trước hai năm.
Sau này, qua các kỳ thi đệ nhất hoặc đệ nhị lục các nguyệt, cả Trung lẫn cô học trò nhỏ đều bận rộn ôn bài vở. Chỉ khi nào bí quá, Lan mới ghé nhà nhờ Trung hướng dẫn thêm đôi chút. Thi xong, người xóm Hạ thường thấy Trung và Lan ôm các tập bài làm của học sinh mà thầy đã chấm về nhà để làm chemise. Công việc này là niềm tự hào của bọn học trò. Chỉ những trò có điểm cao nhất của môn thi đó mới được cô thầy giao nhiệm vụ về lập danh sách học sinh và ghi điểm vào tờ bìa của túi bài thi để nộp cho giáo viên.
***
Học xong lớp đệ tam ở An Lương Đông, Trung phải chuyển lên Huế, học trường Quốc học vì trường quê chưa mở được lớp đệ nhị ban B. Lúc này thì Lan vào lớp đệ tứ. Môn toán hình học chuyển qua nội dung mới đó là hình học không gian và thêm phần lượng giác với những khái niệm sin, cos gì gì lạ hoắc và khó chịu không kém gì quỹ tích. Nếu trước đây có Trung ở nhà, hễ bí điều gì, Lan nghĩ đến việc nhờ anh giải thích. Nay phải chờ đợi có khi phải vài tuần, chủ nhật Trung về thăm nhà mới mong anh giúp, thậm chí có khi Trung rất vội nên phải đành thôi. Cũng vì không ỷ lại được nên từ năm này, Lan chịu khó học toán và nắm vững vấn đề hơn nên những lần gặp sau thay vì hỏi bài, Lan thường bắt Trung kể chuyện thành phố, chuyện trường, chuyện lớp “trên nớ” có khác ở quê nhà hay không. Trung bảo là có nhiều học sinh giỏi, con nhà giàu; bạn bè và thầy cô không được gần gũi, thân mật với nhau như ở dưới này.
Cuối năm đệ nhị, Trung lao vào học thi và Trung là một trong số ít người của quê nhà đỗ Tú tài bán phần và thẳng bước vào lớp đệ nhất.
Năm cuối cùng của bậc trung học là năm vất vả nhất của đời học sinh. Bài vở quá nhiều môn, áp lực thi cử căng thẳng khiến Trung hầu như ít về quê, chỉ khi nào hết tiền mới vội về xin tiếp tế. Rồi Trung cũng vượt qua cửa ải của kỳ thi Tú Tài toàn phần và ghi danh học dự bị Y khoa. Đây là sự kiện trọng đại của xóm Hạ vì trong xã chỉ mới có vài người đậu Tú Tài nhưng thuộc loại con nhà khá giả và theo học ở thành phố suốt cả thời gian tiểu học đến trung học.
Hết năm đệ tứ, dì Tư muốn Lan nghỉ học để giúp việc nhà vì hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn. Lan thì thiết tha muốn được đi học nhưng nghĩ tương lai liệu nên tiếp tục học hết bậc trung học hay không vì lên thành phố trọ học là cả vấn đề lớn. Nhưng nhờ việc Trung đỗ Tú tài, tác động đến cả xã nên dì Tư suy nghĩ lại, tằn tiện ráng kiếm tiền để Lan cho tiếp tục học. Bây giờ, lúc học về, ngoài công việc phụ giúp mẹ trong nhà, Lan cũng bắt đầu nhận đan len, chằm nón cùng với mẹ để dành tiền khi lên thành phố.
Đến khi Lan học xong lớp đệ nhị, lúc này gọi tên mới là lớp 11 thì nhà nước bỏ kỳ thi Tú tài 1. Lan chuyển lên học ở trường trung học Đồng Khánh, trọ nhà bà con để hoàn thành lớp 12. Anh sinh viên Y khoa một lần nữa giúp cô em các thủ tục chuyển trường, làm quen với phố xá, thị thành với sự đạo mạo, nghiêm nghị như ông giáo làng ngày nào.
Tháng ngày mải mê học tập, Trung chẳng hề để ý đến bóng hồng nào. Chỉ khi được trúng tuyển vào năm thứ nhất trường Y, lúc không còn quá căng thẳng của một loạt các kỳ thi nối tiếp và bước vào ngưỡng tuổi đôi mươi, Trung mới để ý chuyện tình cảm. Ông anh khá ngỡ ngàng khi nhận ra cô em bây giờ vừa qua tuổi dậy thì, trở thành cô nữ sinh xinh xắn, duyên dáng; lại nhờ gạo xay, nước máy thành phố nên trắng da, dài tóc chứ không phải đen đúa như ngày nào. Một thứ tình cảm khác lạ bắt đầu nẩy sinh trong Trung. Lan thì nhí nhảnh, hồn nhiên, vẫn vòi vĩnh anh Trung như hồi trước, vô tư không nhận ra những thay đổi khác lạ của ông anh.
Trung dành thời gian đến nhà Lan nhiều hơn nhưng vào giai đoạn này Lan chỉ biết chúi mũi vào học để thi Tú tài. Trung thì đã thấy một tình cảm yêu thương của hai người khác phái nhưng thấy khó mở lời quá. Thêm nữa, bạn bè cả trai lẫn gái của Lan lúc nào cũng đến học chung, trao đổi bài vở khiến Trung cảm thấy mình như là người ngoài cuộc, thừa thải.
Một lần chủ nhật về quê, hai anh em đi cùng chuyến xe. Dừng lại ở bến Truồi, cả hai đi bộ về làng. Không còn là ông thầy đạo mạo, uy nghiêm nữa, lấy hết can đảm, Trung thú thật tình cảm của mình, bảo đã từ lâu yêu thương Lan và nghĩ đến việc xây dựng gia đình tương lai. Lan khá bất ngờ và có phần hốt hoảng, bảo rằng từ trước đến nay Lan luôn kính trọng, sợ sệt, xem anh Trung cũng như anh Vũ và thậm chí còn cứ nghĩ Trung là ông anh họ nữa.
Sau chuyện này, Lan dường như cố tránh gặp Trung, lấy lý do là tập trung thi cử. Dù chưa có kinh nghiệm trong tình trường, Trung cũng thừa thông minh để biết rằng chuyện yêu đương sẽ không đến đâu, về đâu vào thời điểm này, nhất là kỳ thi tú tài của Lan sắp đến. Chàng ta mang nỗi đau thầm kín, mất hẳn phong thái tự tin, biết rằng không thể dùng toán, dùng văn để chinh phục tình cảm của cô em bé nhỏ, xinh xắn được nữa. Tương lai rồi sẽ ra sao? Que sera, sera? Whatever will be, will be?

Tháng 10/2010

Chủ Nhật, 26 tháng 9, 2010

Chuyện con cà con kê về trường lớp An Lương Đông ngày xưa

Người viết:
Nguyễn Hoàng

lẽ người khi đã vào tuổi xế chiều thường hay nhớ lại chuyện đời xưa. Mình mở trang viết này để kể chuyện linh tinh của thời học sinh thơ dại. Bên cạnh những chuyện vui thì chắc cũng có chuyện không vui. Ngoài ra, do lâu quá nên trong câu chuyện có thể xảy ra "chuyện nọ xọ chuyện kia". Tuy nhiên, mong các bạn hãy dành ít thời gian kể chuyện học hành, trường lớp với tinh thần thân ái, khoan hòa đối với những vui buồn của một quãng đời ngày xưa nhé.
Mời nghe một bài hát trong lúc đọc.




Cái thời học xong lớp Nhất (tức là lớp 5 bây giờ), không nhiều các bạn được học tiếp lên bậc trung học, thường do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn. Mặc dù hoàn cảnh của mình không khá hơn gì nhưng bố mẹ quyết tâm cho con đi học nên mình có cơ hội dự thi đệ thất tại trường ALD.
Số thí sinh thi tại trường năm đó gần 400. Số ký danh của mình là 121. Cũng không rõ vì sao mình vẫn nhớ được. Hôm đi thi, mình thức dậy rất sớm, khoảng 4 giờ. Ăn sáng xong, mình cùng bố đi bộ 5km về trường để thi.
Buổi sáng, thi môn Tập làm văn và Khoa học thường thức (tổng hợp khá nhiều môn, kể cả lịch sử, địa lý,..). Đề “Tập làm văn” có một yêu cầu là :”Học sinh hãy kể một chuyện ngụ ngôn và bình luận chuyện ngụ ngôn đó.” Học trò đã được học hay đọc nhiều câu chuyện như “Con ve và con kiến”, “Thỏ và rùa”, “Con ếch muốn to bằng con bò”,... ở các sách Quốc văn toàn thư, Quốc văn toàn tập ở Tiểu học. Mình chọn câu chuyện “Con ve và con kiến” để làm.
Buổi chiều là thi môn Toán. Khác với những năm trước là đề thi gồm 2 bài toán đố, năm nay đề có 2 phần, phần 1 gồm những câu hỏi nhỏ, kiểm tra những kiến thức lý thuyết, những tính toán để đánh giá kỹ năng học toán, phần thứ hai mới là một bài toán đố. Bài toán này là một dạng toán chuyển động quen thuộc, đại ý rằng, một người X đi từ thành phố A đến thành phố B quãng đường 30km, vận tốc mỗi giờ là 5km. Cứ đi 10 phút thì ông X nghỉ 10 phút. Nếu bắt đầu đi lúc 8 giờ sáng, hỏi mấy giờ thì đến B? Bài này thì không khó nhưng có chút mẹo là khi đến B rồi thì không tính thời gian nghỉ 10 phút sau cùng này, tựa như bài toán trồng cây, lưu ý là vị trí đầu tiên thì phải có trồng 1 cây.
Đối với mình, bài toán này thuộc loại dễ nếu như so với các bài “Toán giả sử”, kiểu như vừa chó vừa gà 36 con, bó lại cho tròn đến đủ 100 chân,... nên làm nhanh, thong thả và cũng không trao đổi với ai. Thi xong, ra khỏi phòng, đối chiếu đáp số mình tá hỏa khi thấy đáp số khác với các bạn khác. Kiểm tra kỹ, hóa ra là trong bài thi của mình đã dùng dữ kiện “đi 10 phút, nghỉ 1 phút” chứ không phải “đi 10 phút, nghỉ 10 phút”. Vào xem lại đề thi trên bảng thì bị xóa đi rồi nên không rõ là mình đọc nhầm hay giám thị viết nhầm. Ra về lòng bất an, tính đi tính lại có lẽ không hỏng nhưng khó đỗ cao. Cách làm và trình bày là chính xác, nên lòng thầm mong giám khảo đọc kỹ bài làm và châm chước việc sai sót số liệu.
Cuối cùng, sau nhiều ngày chờ đợi cũng đến lúc treo bảng, mình đỗ thủ khoa cùng với Võ Đại Phúng (cùng điểm). Phải nói là giám khảo công minh, chấm bài không chỉ nhìn đáp số, đồng thời đánh giá cả quá trình làm bài của học trò nên mình mới được như vậy.
Vào học lớp đệ thất năm học 1967-1968, mình còn khá nhỏ nên chẳng nhớ được nhiều. Tạm xa bạn bè tiểu học, nay có thêm nhiều người quen mới ở các thôn xã khác. Có nhiều môn học mới, nhiều thầy cô dạy chứ không phải mỗi lớp một cô/thầy như hồi tiểu học. Chẳng hạn môn Anh văn, được thầy Hồ Văn Bá khai tâm với cuốn English For Today, Book 1. Môn Toán được Cô Thanh giảng dạy, những định lý, chứng minh đối với các bài toán Hình học làm nhiều bạn khá bỡ ngỡ.
(Còn tiếp)

Thứ Bảy, 25 tháng 9, 2010

Danh sách lớp Pháp văn

Lớp Pháp văn, khóa tuyển sinh 1967 chưa có danh sách. Nay bằng trí nhớ nhỏ nhoi và danh sách hôm họp mặt, mình tạm đưa lên đây, có thể nhiều chỗ không chính xác, mong các bạn bổ sung.

1. Lê Văn Bá
2. Lê Du (đã mất)
3. Nguyễn Hòa
4. Nguyễn Thuyết
5. Lê Thừa Hùng
6. Hoàng Xê
7. Nguyễn Nghĩa
8. Hoàng Thi Thơ Tâm (đã mất)
9. Nguyễn Văn Viễn
10. Lê Thị Hòa
11. Lê Văn Cam
12. Huỳnh Văn Tiến
13. Trương Thị Gái
14. Nguyễn Thị Kim Hoa
15. Trần Văn Năm
16. Mai Văn Danh
17. Nguyễn Sấn
18. Nguyễn Văn Ca
19. Hoàng Thị Nhỏ
20. Nguyễn Thị Hảo
21. Nguyễn Mây
22. Võ Két
23. Tôn Nữ Thị Hoa
24. Trương Văn Thuyên
25. Trần Hữu Cường
26. Đặng Cân
27. Lê Thắng
28. Trần Hữu Lưa
29. Lê Thị Thu Thủy (đã mất)
30. Lê Thị Mai (đã mất)
31. Trần Nhâm
32. Đinh Trường An
Ghi chú: Một số thông tin bổ sung ở đây do bạn Nguyễn Văn Ca, Võ Đại Phúng cung cấp. Cám ơn các bạn.

Chủ Nhật, 12 tháng 9, 2010

Danh sách lớp đệ thất 2 (Anh văn)

Mình cố gắng nhớ tên các bạn lớp đệ thất 2 (Anh văn) năm học 1967-1968. Mong nhận được danh sách của các bạn lớp đệ thất 1 (Pháp văn) để cùng đăng lên đây.
-----------------
Danh sách học sinh lớp đệ thất 2 (niên khoá 1967-1968)

1. Trần Thị Kim Đơn
2. Phạm Thị Hương
3. Nguyễn Thị Xuân
4. Trần Thị Xuân Tĩnh
5. Trương Can
6. Trần Cẩn
7. Nguyễn Chi
8. Lý Đắc Địch
9. Trần Hữu Đích
10. Lê Điểu
11. Hồ Đức
12. Thái Quý Đương
13. Trần Đá Em
14. Lê Hà
15. Trần Văn Hai
16. Hồ Đắc Hanh
17. Phạm Hạp (đã mất)
18. Trần Hậu
19. Trần Xuân Hoà
20. Huỳnh Ngọc Hoà
21. Nguyễn Hoàng
22. Trần Trọng Huyên
23. Đặng An Kha
24. Huỳnh Văn Khanh (đã mất)
25. Nguyễn Lạc
26. Võ Đại Lạp
27. Dương Lặng
28. Nguyễn Văn Lâu
29. Trần Mại
30. Nguyễn Ngọc Mùi
31. Huỳnh Phiên
32. Lê Phiến
33. Trần Văn Phúc
34. Võ Đại Phúng
35. Nguyễn Phước
36. Võ Đại Thanh Tâm
37. Nguyễn Thi
38. Huỳnh Tĩnh
39. Hà Văn Tiết
40. Trần Văn Thiện
41. Bùi Minh Trung
42. Trần Ngọc Truồi
---------


Năm lớp đệ ngũ có thêm các học sinh: Văn Thị Trang Khanh, Nguyễn Đình Hát chuyển đến lớp.
Rải rác một số bạn nghỉ học hay chuyển đi trường khác trong 4 năm học ấy.

Thêm vài ảnh nữa

Những nụ cười tươi rói! Các bạn bấm chuột vào ảnh để xem rõ hơn.













MỘT THỜI HOÀI NIỆM

Nhân dịp 45 năm thành lập Trường Trung học An Lương Đông, mình có viết một bài đăng ở đặc san. Nay trong lúc chờ đợi các bài viết mới, mình copy để các bạn cùng đọc cho vui.
Nguyễn Hoàng
------------

      Năm 1967 tôi thi đỗ vào lớp đệ thất trường Trung học An Lương Đông. Từ nhà đến trường cách xa hơn năm cây số nên việc tiếp tục học bậc trung học là một sự thay đổi đáng kể trong đời học trò ở làng quê nhất là phải vượt qua được kỳ tuyển sinh vào lớp đệ thất. Năm ấy có gần 400 thí sinh dự thi nhưng chỉ lấy đỗ khoảng 80 học sinh mà thôi.
      Những ngày đầu tiên đến trường, chúng tôi đón nhận nhiều điều mới mẻ. Giờ đây có nhiều môn học mới, nhiều thầy cô giảng dạy, có thêm bạn mới từ các xã khác nhau. Số học sinh đỗ vào đệ thất được chia làm 2 lớp theo môn ngoại ngữ. Lớp đệ thất 1 học Pháp văn và đệ thất 2 là Anh  văn.
        Trường lúc ấy đang còn đơn sơ, chỉ có hai dãy nhà học vuông góc với quốc lộ, đối diện nhau. Do phòng ốc còn thiếu thốn nên lớp chúng tôi không có chỗ học có định.  Đứng trên quốc lộ nhìn xuống qua cổng trường chúng ta bắt gặp cánh đồng, mùa thu mênh mông nuớc đầy, mùa xuân xanh mơn màu lúa non. Vài năm sau đó, một dãy phòng học khang trang, mái ngói đỏ au được xây dựng nối với hai dãy cũ làm thành hình chữ U, giải quyết được tình trạng chạy đổi phòng. Do trường đang trong quá trình xây dựng như vậy, chúng tôi không có những hàng phượng vỹ thắm rực màu hoa hay tán cây cổ thụ rợp bóng che mát sân trường lúc hè về; học sinh không có cơ hội để lẩn thẩn nhặt lá vàng rơi khi mùa đông đến. Nhưng chẳng có sao đâu, An Lương Đông vẫn là ngôi trường thân thiết của bao thế hệ học trò.
      Ngày chúng tôi vào trường, thầy Trần Gia Thọ đang là Hiệu trưởng. Đã lâu lắm rồi nhưng hình ảnh thầy vẫn còn đọng trong tôi. Lớp chúng tôi được học với thầy môn Công dân giáo dục trong một học kỳ. Thầy rất oai nghiêm, luôn mặc áo veston, đầu chải gọn gàng, đến trường bằng xe vespa. Chỉ cần thầy đi ngang, bọn học trò chúng tôi đứa nào đứa nấy dù đang chơi đùa, la hét gì đi nữa đều tự động im thin thít. Tuy nhiên khi vào lớp thầy nhẹ nhàng với học sinh và hình như chưa có ai trong lớp bị thầy la mắng hay bắt phạt. Chúng tôi cứ nhớ mãi hình ảnh mẫu mực của một vị thầy hiệu trưởng, đứng đầu một trường vào ngày xa xưa ấy.
        Năm đệ thất và đệ lục trôi qua khá lặng lẽ. Một phần chúng tôi còn quá nhỏ nên ký ức không còn giữ được nhiều, phần khác cuộc chiến thời kỳ này khá ác liệt. Hàng đêm tiếng súng trường, súng đại bác nổ đì đùng, sáng ra trên đường về trường, chúng tôi thỉnh thoảng bắt gặp những chiếc quan tài phủ cờ ba sọc hoặc những xác chết của bộ đội giải phóng do lính Sài Gòn mang ra trưng dọc đường. Đôi lúc những toán lính Mỹ với vũ khí, súng đạn trong tay, hành quân dọc theo đường quốc lộ, gây nên cảm giác bất an cho cả thầy lẫn trò. Do vậy, có nhiều giờ học, học sinh vào lớp nhưng giáo viên không đến hoặc đôi buổi chiều,  thầy cô cho nghỉ sớm để còn kịp đón xe trở về Huế.
        Niên khoá 1969-70 chúng tôi học lớp đệ ngũ. Năm học này có nhiều sự đổi mới. Chiến trận vùng Truồi có vẻ im ắng hơn. Thầy Trần Gia Thọ đã chuyển công tác lên thành phố Huế, thầy Hồ Văn Bá xử lý thường vụ Hiệu trưởng. Đầu năm học, một loạt các giáo viên mới được bổ nhiệm về trường, có nhiều thầy cô vừa tốt nghiệp, phần lớn đạt loại ưu, đầy năng lực và nhiệt huyết. Đó là quý thầy Huỳnh Ngọc Phiên, Lê Tự Rô, Nguyễn Phố,… quý cô Trần Thị Ngọc Anh, Trần Thị Tuyết Nha, Hoàng Thị Tao Phùng,… Cùng với quý thầy cô cũ như thầy Giám thị Hồ Đắc Toản, thầy Lê Thừa Xích, Hồ Trân, cô Nguyễn Thị Thanh, Huyền Tôn Nữ Liên Hương, Nguyễn Thị Thanh Ngọc,… lập nên một Hội đồng giáo viên đầy nhiệt huyết khiến toàn trường bừng lên một không khí mới mẽ, các phong trào học tập thi đua nở rộ. Chúng tôi được học những giờ toán đầy hứng thú với thầy Phiên. Thầy viết bảng rất đẹp, trình bày bài giảng rõ ràng, quan tâm động viên học trò học tập. Ngoài việc tận tâm dạy dỗ trên lớp, thầy không quản ngại vất vả, không nghỉ trưa, để dành thời gian sau khi ăn cơm để dạy thêm miễn phí cho học sinh. Những bài tập làm thêm, những bài toán chạy những nhận xét đúng chỗ đã dấy lên tinh thần học toán trong cả 2 lớp đệ ngũ ấy. Tôi vẫn còn nhớ một lần khi thấy nhiều học sinh trong lớp vất vả với những bài toán quỹ tích, thầy bảo rằng: “Nhìn kết quả học tập các em chưa cao, thầy không trách các em, trái lại thầy nghĩ rằng mình phải làm việc nhiều hơn, phải trăn trở chuẩn bị bài giảng tốt hơn để giúp các em học bài được dễ hiểu”.  Câu nói đó đã là phương châm của bản thân tôi trong quá trình làm nghề giáo sau này. Nhiều bạn tôi yêu thích môn toán cũng bắt đầu từ những tháng ngày này.
Chúng tôi được học Anh văn một cách bài bản là nhờ thầy Hồ Văn Bá phụ trách một số học kỳ các năm ở bậc trung học đệ nhất cấp. Thầy luyện phát âm cho học sinh rất cẩn thận. Tôi còn nhớ thầy nhấn mạnh cách phát âm phụ âm “th” trong các từ thing, think, this, that, the,… rằng cần phải để lưỡi giữa hai hàm răng rồi phát âm, tuỳ từng trường hợp có gió hoặc không có gió thoát ra. Thầy không cho rằng học sinh trường quê khả năng kém nên trong giờ văn phạm, thầy đã dùng tiếng Anh để giảng bài, chẳng hạn cách thành lập các thì, cách dùng, ý nghĩa của chủ động, bị động cách,… mà không cần dùng tiếng Việt như là phụ chú.
        Đối với học trò, thông thường môn Vạn vật là môn tụng bài, đến giờ cô đọc trò chép nhưng năm đệ tứ, cô Ngọc Anh đã thổi luồng sinh khí mới làm cho học sinh thích thú môn này. Cô giảng bài bằng một giọng nhẹ nhàng, ấm áp. Cô vẽ các hình về sinh vật, giải phẫu bằng phấn màu rất nhanh và rất đẹp. Cách kiểm tra của cô nhẹ nhàng và hiệu quả. Cuối mỗi giờ học, cô yêu cầu mỗi học sinh lấy một tờ giấy đôi để hỏi bài cũ lẫn bài mới vừa được học xong.
Môn Sử Địa chúng tôi được học với thầy Tôn Thất Lôi, một vị thầy lớn tuổi, khả kính. Cách giảng bài của thầy khác với những thầy cô trước đây. Thầy thường đặt những câu hỏi và yêu cầu học sinh trả lời trong giờ học chứ không chỉ thuần đọc chép. Và nếu tôi nhớ không nhầm thì lần đầu tiên chúng tôi tiếp xúc với kiểu thi trắc nghiệm từ những bài kiểm tra, thi học kỳ môn Sử Địa của thầy Lôi. Thầy cũng đa năng trong các hoạt động tập thể như tổ chức cắm trại, làm quản trò. Ngay việc xây dựng cổng trường An Lương Đông ngày ấy cũng có thầy tham gia thiết kế, vẽ mẫu.
        Vào giờ Việt văn chúng tôi thích thú với những chuyện kể của thầy Trương Quang Yến, những bài giảng về thân phận nàng Kiều, những áng văn thơ bất hủ của Bà Huyện Thanh Quan hay của Uy viễn tướng công Nguyễn Công Trứ,…
        Bọn học trò chúng tôi lúc ấy cũng có nhiều người quậy, nghịch. Có bạn đã hút thuốc lá, có bạn ham chơi bài xì tẩy, các-tê hay đá jeutons. Tôi còn nhớ một kỷ niệm vào giờ Lý Hoá của cô Nguyễn Thị Thanh. Lần ấy, mấy học sinh về nghỉ trưa tại nhà bạn Huỳnh Ngọc Hoà bên xã Lộc Điền. Trong nhà đi vắng, bạn ấy nấu cơm làm đồ ăn khá ngon và bưng ra một bình rượu thuốc, chắc là rượu của bố. Bạn bè khích nhau, mỗi đứa uống mấy ly, gần hết bình. Chúng tôi bị chếnh choáng nhưng đến giờ học buổi chiều thì cũng phải vào lớp. Có lẽ cô thắc mắc khi thấy có vài trò mặt mày đỏ bừng không rõ lý do, tôi cũng là một trong số ấy. Cô gọi tôi lên bảng kiểm tra bài cũ, may là tôi trả lời được nhưng không may có mùi rượu toả ra, cô biết ngay chúng tôi đã uống rượu. Khi tôi chuẩn bị bước về chỗ ngồi, cô nhẹ nhàng bảo:
       - Sao em lại uống rượu thế Hoàng?
Có lẽ vì ảnh hưởng của hơi men, tôi bỗng nhiên bạo dạn một cách không ngờ khi trả lời cô:
      - Thưa cô, em uống rượu để xem thử cảm giác của người say như thế nào.
        Cả lớp cười ồ lên, cô ngạc nhiên, chau mày tỏ vẻ không hài lòng và bảo:
     - Nói bậy, lần sau đừng có uống nữa, thôi đi về chỗ.
       Tôi dạ lí nhí và bước nhanh về chỗ ngồi.
      Mặc dù chúng tôi sai bét nhè, đáng bị tội nặng nhưng cô không mắng mỏ nhiều, chỉ nhắc nhở như vậy. Có lẽ đó là một kỷ niệm nhớ đời trong thời học sinh của tôi.
      Học sinh của trường trung học An Lương Đông phần lớn từ bốn xã Lộc Bổn, Lộc Sơn, Lộc An và Lộc Điền của quận Phú Lộc đến học. Những bạn ở Lộc Bổn và Lộc Sơn  đến trường bằng đủ mọi phương tiện: đi bộ, xe đò, xe lam và xe đạp. Vào buổi sáng sớm, học sinh thường tập trung từng nhóm chờ xe. Hể có một chiếc dừng lại, chúng tôi chen chúc nhau lên xe, thậm chí bu ngoài cửa, leo lên trần để kịp đến trường.
      Thời khoá biểu chia từ thứ hai đến thứ sáu, nhiều khi học cả hai buổi sáng chiều. Những học sinh ở xa trường thường ở lại buổi trưa nếu như học cả ngày. Lúc nào các bà mẹ rãnh, dậy sớm thì chuẩn bị bữa trưa cho mấy cô cậu học trò mo cơm dẻo với muối mè hay vài con cá kho mặn. Nếu không thì lót dạ bằng ổ bánh mì mua ở quán trước trường và cũng có khi đành mang bụng trống vào học buổi chiều. Chúng tôi cũng quen với những cái no cái đói như vậy.
     Những buổi sáng đẹp trời, gặp dịp nghỉ hai giờ cuối, tôi hay về nghỉ trưa tại nhà các bạn cùng lớp ở gần trường. Tôi nhớ nhiều lần cùng với Lê Điểu về nhà ngoại của anh, một căn nhà gỗ trong nếp vườn rộng ven bờ sông Truồi. Sau khi ra sông tắm, bơi lội thỏa thích, mấy anh em vào nhà cùng nấu ăn. Cơm nước xong, ngả người trên bộ phản gỗ, tôi nghe tiếng chim ríu rít trên mấy hàng cau quanh nhà. Bài vở cho buổi chiều đã chuẩn bị, tôi có một cảm giác sảng khoái, nhẹ nhàng.
     Chúng tôi sống trong không khí chan hoà ấm cúng của tình thầy trò, tình bè bạn như vậy. Có những buổi sáng đang đứng chờ xe về trường, gặp được thầy Phiên, thầy thường dừng xe gắn máy, cho phép tôi đi nhờ; những buổi chiều cùng bạn bè cuốc bộ hay chở nhau về bằng xe đạp cà tàng. Có những hôm mưa gió bão bùng, chúng tôi lóp ngóp trong những tấm nylon,… Đó là những mảnh kỷ niệm của tuổi học trò thơ dại gắn bó với mái trường An Lương Đông.
     Lớp tôi có gần 40 học sinh nhưng chỉ có 4 bạn nữ. Do ở nông thôn thời ấy phần nhiều học trò đi học muộn nên bạn bè cùng lớp đôi khi cách nhau 4,5 tuổi; cuối năm lớp đệ tứ đã có người cưới vợ. Tuy vậy mọi người cư xử khá bình đẳng, không có cảnh lớn bắt nạt bé. Những cậu học trò bé óc tiêu nhưng học giỏi thì cũng được những anh, chị lớn tuổi quý mến và nể trọng. Ngôi trường lúc ấy đang còn bé, khoảng chừng 7, 8 lớp, học sinh khá gần gũi nên trước và sau một khoá chúng tôi cũng quen nhau, nhất là những bạn học giỏi, khá hay có năng khiếu về văn nghệ, thể thao thế nào cũng được nhiều người biết đến.
     Tuổi học trò với niềm vui của ngày tựu trường, hân hoan khi những ngày nghỉ tết âm lịch đang dần đến, lúc mà kỳ thi đệ nhất lục cá nguyệt vừa kết thúc; man mác buồn lúc chia tay nghỉ hè. So với các bạn cùng lớp, tôi học hành tương đối nhẹ nhàng, bài vở không là mối bận tâm nên luôn luôn thích đến trường, đến lớp. Ở nhà  không có trò chơi gì thú vị, đôi lúc phải làm việc nhiều, tôi cảm thấy thời gian dài lê thê  trong 2 ngày thứ bảy và chủ nhật cuối tuần,…
     Tuổi học trò thời trung học diễn ra những bâng khuâng, xao xuyến trong lòng vì tuổi dậy thì chợt đến. Chúng tôi đang tuổi  mười lăm, mười sáu bắt đầu có những rung động, cảm xúc về bạn khác phái. Những buổi đến trường nếu bắt gặp người mình thầm để ý thì lòng dậy lên những niềm vui sướng, rộn rã. Dáng hình của bạn nữ với chiếc áo dài trắng bừng lên qua nắng mai hồng hay vừa vặn trong chiếc áo len màu xanh biển lúc trời trở lạnh vào ngày đông như những cánh hoa quý giá, chỉ dám đứng xa để ngắm với tâm hồn thanh tân, không gợn chút vẫn đục. Trái tim luôn đập mạnh khi đi bên cạnh người ấy nên chẳng bao giờ dám bạo dạn ngỏ lời bâng quơ, bóng gió vì cái đẹp ấy cũng mong manh lắm, nhỡ mà rạn vỡ thì sẽ buồn biết bao.
      Bốn năm tôi học ở trường trung học mến yêu An Lương Đông, một quãng đời không ngắn của tuổi học trò, đã khắc bao kỷ niệm. Nay trở lại trường xưa, khi tóc đã đổi màu, nhìn đàn em tung tăng đến trường mà ngỡ mình như đang sống lại của ngày tháng thời xa xăm…
                                                                                           Huế, tháng 10 năm 2005

Danh sách Thầy Cô

DANH SÁCH QUÝ THẦY CÔ GIẢNG DẠY VÀ HƯỚNG DẪN (CHỦ NHIỆM LỚP)
Khóa tuyển sinh năm 1967, sinh ngữ: Anh văn

Lớp/Môn học
Lớp đệ thất 2 (6/2)
Lớp đệ lục 2 (7/2)
Lớp đệ ngũ 2 (8/2)
Lớp đệ tứ 2 (9/2)
1. Việt văn
Lê Thị Thanh Minh
Nguyễn Thị Thanh Ngọc
Trương Quang Yến
Nguyễn Phố
Trương Quang Yến
2. CDGD
Trần Gia Thọ
Nguyễn Thị Thanh
Tôn Thất Lôi
Trương Quang Yến
Hoàng Thị Tao Phùng
3. Anh văn
Hồ Văn Bá
Trương Quang Yến
Huyền T. N Liên Hương
Hồ Văn Bá
Hồ Văn Bá
Đặng Thị Xuân Phúc
4. Sử-Địa
Phạm Thị Phương Thảo
Lê Thị Thanh Minh
Tôn Thất Lôi
Tôn Thất Lôi
Hoàng Thị Tao Phùng
5. Toán
Nguyễn Thị Thanh Ngọc
Nguyễn Thị Thanh
Huỳnh Ngọc Phiên
Trần Thị Tuyết Nha
6. Lý Hóa
Lê Thị Thanh Minh
Nguyễn Thị Phù Dung
Tôn Nữ Mỹ Liên
Nguyễn Thị Thanh
7. Vạn Vật
Tôn Nữ Mỹ Liên
Nguyễn Thị Phù Dung
Trần Thị Ngọc Anh
Trần thị Ngọc Anh
8. Hội họa
Trương Nghiêm
Hồ Đắc Toản
Nguyễn Vân Trình

GS HD
Lê Thị Thanh Minh
Trương Quang Yến
Huỳnh Ngọc Phiên
Trương Quang Yến
Sĩ số:
Lớp 6/2: HK1: 56, HK2: 49
Lớp 7/2: HK1: 45, HK2: 42
Lớp 8/2: HK1: 39, HK2: 39
Lớp 9/2: HK1: 34, HK2: 33
Ghi chú:
- Danh sách này mình ghi lại từ học bạ của 4 năm Trung học đệ nhất cấp. Có những chỗ đánh dấu hỏi ?? vì chữ bị mờ, không đọc được (Hậu quả của cơn lụt thế kỷ 1999, học bạ bị ngâm nước, sau khi phơi khô, chữ viết bằng bút bi còn đọc được, chữ viết bằng bút mực phần lớn bị nhòe!)
- Mong các bạn bổ sung để danh sách nói trên được đầy đủ, chính xác.
- Sĩ số các năm học biến đổi khá nhiều. Từ 56 học sinh ở học kỳ 1 lớp đệ thất, đến học kỳ 2 năm lớp đệ tứ chỉ còn 33.
* Nhờ bạn Võ Đại Phúng cung cấp thêm thông tin, nay các môn Sử địa, Toán và Hội họa lớp đệ thất đã có tên của thầy cô.